cách làm ruốc tôm

Làm ruốc tôm không khó như bạn tưởng tượng đâu! Nhanh chóng và dễ dàng lắm với cách làm ruốc tôm mà mình chia sẻ ngay sau đây.

Tôm là loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, được các bà nội trợ ưa chuộng chế biến thành nhiều món ăn ngon trong thực đơn hàng ngày. Thế nhưng, ruốc tôm dường như lại ít xuất hiện hơn vì nhiều người cho rằng làm cầu kỳ và mất thời gian.

Bạn sẽ phải suy nghĩ khác đi khi tự tay làm một lọ ruốc tôm thơm ngon, bông mịn, màu cam đẹp mắt. Ruốc tôm làm cơm trắng nóng hổi đậm đà hơn và giúp tăng vị cho nhiều món ăn ngon khác. Mọi người hẳn sẽ trầm trồ với ruốc tôm do bạn làm đấy.

Cùng bắt tay vào làm ruốc tôm với phunugioithat nào bạn!

Nguyên Liệu

  • 1 kg tôm sú tươi
  • 2 thìa canh hạt nêm
  • 1 thìa canh hạt tiêu
  • 1 thìa canh đường
  • 4 thìa canh nước mắm
  • 1 thìa canh hành tím băm
  • 1 thìa canh sả băm
  • 4-5 thìa canh dầu hạt điều/ dầu gấc
  • 2 thìa canh dầu ăn

Cách làm ruốc tôm chi tiết

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Việc quan trọng nhất khi làm ruốc tôm là lựa chọn tôm nguyên liệu tươi ngon. Bạn chọn loại tôm theo sở thích, mua ở cửa hàng bán hải sản uy tín nhé. Nhưng mình khuyên bạn nên chọn tôm sú tươi vì tôm sú là loại tôm có kích thước lớn, phần thịt nhiều, chắc và ngọt. Bạn chú ý chọn những con tôm có vỏ trơn bóng, cầm chắc chắn chứ không chọn tôm mềm nhũn, bị nhớt, bị đứt chân, râu, mắt.

Tôm chứa nhiều chất dinh dưỡng trong đó có hàm lượng cao protein, vitamin B12 và kim loại tốt cho sức khỏe như sắt, canxi,… Vậy nên cần chế biến sao cho đảm bảo giữ được vị tươi ngon và khai thác tối đa giá trị dinh dưỡng có trong tôm.

Sau khi mua tôm về bạn rửa qua với nước sạch. Bạn lột vỏ tôm, bỏ phần đầu tôm, phần chân rồi loại bỏ chỉ đen sống lưng tôm. Phần gạch tôm, bạn giữ lại để rang cùng sau này chứ đừng bỏ đi nhé. Thịt tôm đã lọc, bạn rửa lại nhiều lần với nước sạch. Bạn có thể ngâm cùng một chút rượu để khử bớt mùi tanh.

Đối với sả và hành tím, bạn sơ chế xong rồi rửa sạch và băm nhỏ. Những loại gia vị khác như hạt tiêu, đường, nước mắm,… bạn đong đủ lượng như hướng dẫn nhé. Nếu bạn thích ăn đậm vị hơn thì sau này có thể nêm nếm lại theo khẩu vị.

Bước 2: Rang chín tôm

Bạn chuẩn bị một chiếc chảo chống dính rồi đun nóng dầu ăn ở mức lửa vừa. Sau đó, bạn cho phần tôm tươi đã được sơ chế cùng hỗn hợp gia vị vào rang. Bạn chú ý đảo đều tay để tránh bị cháy nhé, tôm nhanh chín lắm đó. Bạn rang tôm cho đến khi tôm chín chuyển màu trắng điểm chút màu cam thì tắt bếp nhé.

Tôm đã rang chín, bạn chờ khoảng 30 phút cho nguội hẳn rồi mới làm ruốc. Bạn đừng vội chế biến ruốc tôm ngay vì sau khi chín, tôm vẫn còn hơi nóng và nhiều nước trong tôm. Chúng có thể khiến ruốc tôm bị nhão, nát khi giã nhỏ sau này.

Bước 3: Cách Làm Ruốc Tôm: Rang ruốc và hoàn thành

Để chế biến ruốc tôm, bạn thực hiện nguyên tắc như sau: Giã nhỏ tôm rồi đảo khô ruốc tôm. Bạn lặp lại thao tác này hai lần là ruốc tôm hoàn thành nhé.

Cách giã nhỏ tôm

Bạn chuẩn bị chày và cối sạch, khô để giã tôm.

Bạn đừng giã một mẻ lớn mà nên chia tôm thành từng phần nhỏ rồi cho vào cối giã. Như vậy thì sẽ kiểm soát được độ tơi, nát của thịt tôm. Bạn lưu ý đừng giã nhuyễn quá. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể dùng máy xay thực phẩm khô để xay tôm nhé.

Cách đảo khô ruốc tôm

Sau khi giã nhỏ tôm, bạn tiếp tục cho tôm vào chảo sâu lòng chống dính. Bạn bật lửa ở mức nhiệt vừa để đảo khô ruốc tôm. Bạn dùng phới hoặc đũa để đảo đều tay, để tạo độ bông cho ruốc tôm và dằm nhẹ những chỗ thịt tôm bị vón cục ra nhé.

Khi đảo ruốc tôm, bạn khéo léo quan sát và thử nếm một chút để kiểm tra độ khô nhé. Bạn cần tránh đảo quá khô vì ruốc sẽ bị cứng còn nếu ruốc vẫn còn ẩm thì sẽ không bảo quản được lâu, dễ bị mốc trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của nước mình.

Vậy là các bước làm ruốc tôm cơ bản đã được mình hướng dẫn. Quá trình chế biến ruốc tôm của bạn diễn ra suôn sẻ chứ? Bạn dựa vào một số đặc điểm sau để đánh giá ruốc tôm tự chế biến có chuẩn vị không nhé!

  • Ruốc tôm nhìn rõ dạng sợi. Chúng bông lên, tơi xốp, màu đỏ cam đem lại cảm giác ngon miệng.
  • Ruốc tôm sau khi đảo khô có hương thơm đậm đà hấp dẫn. Mùi cay nhẹ của tiêu, mùi thơm của hành tím, sả và mùi mặn của nước mắm.
  • Khi nếm thử, ruốc đạt độ khô vừa phải, hơi dai dai nên khi nhai rất vui miệng và giữ được vị ngon ngọt đặc trưng của thịt tôm tươi.

Bạn đợi ruốc nguội hẳn rồi cất vào lọ kín để dùng dần. Ruốc tôm tơi xốp nếu để bên ngoài thì dễ bị ẩm nên cần bảo quản trong hộp kín. Bạn lưu ý, không ấn chặt ruốc tôm trong lọ để ruốc tôm không bị đóng tảng và mất đi độ tơi nhé.

Lọ ruốc tôm nếu để ở nhiệt độ thường thì giữ được trong 5-7 ngày. Còn nếu để ở ngăn mát tủ lạnh thì bạn dùng trong khoảng 3 tháng để ruốc tôm giữ được vị ngon đậm đà nhé.

Khi ăn ruốc tôm, bạn dùng dụng cụ sạch để lấy ruốc và đậy nắp ngay sau khi sử dụng nhé.

Với hộp ruốc tôm tự làm, hẳn là bạn sẽ rất tự tin khi mang đi làm ăn trưa, mang đi du lịch và nhận được lời khen trầm trồ của mọi người xung quanh. Hoặc đơn giản hơn, bạn thưởng thức ngay tại nhà cùng gia đình. Thật hạnh phúc khi nhìn người thân ăn bát cơm nóng hổi ngon lành cùng ruốc tôm mình làm.

Không chỉ là món ăn đưa cơm, ruốc tôm giúp làm tăng vị của các món ăn như bánh cuốn, bánh bèo, bánh tráng nướng,… Những món này rất dễ ăn và trở thành món ăn khoái khẩu của người Việt mình. Biết làm ruốc tôm rồi, bạn thử mạnh dạn làm mấy món ngon ăn cùng ruốc tôm xem sao.

Nhịp sống ngày càng hối hả, chúng ta luôn nghĩ đến việc chế biến món gì tiện lợi, làm một lần số lượng nhiều và có thể để được lâu ngày. Đồ khô dạng sợi chính là giải pháp cứu cánh.

Ngoài ruốc tôm ra còn có ruốc (chả bông), ruốc cá hồi, khô bò,… đã và đang được những người nội trợ ưa chuộng và chế biến dễ dàng tại gia đình. phụ nữ giỏi thật có những bài viết hướng dẫn cách làm những món ăn này giúp các bạn đơn giản hóa việc nấu ăn hàng ngày.

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin