Cách Làm Mực Xào Dứa

Những món ăn thơm ngon từ mực tươi luôn mang tới sự hấp dẫn khó cưỡng. Hôm nay, phụ nữ giỏi thật sẽ giới thiệu đến bạn cách làm mực xào dứa ngon hết sẩy để bổ sung cho thực đơn hàng ngày nhé!

Nhắc đến hải sản, có người thích món cua, người lại mê món tôm,… mình thì cực kỳ kết các món từ mực. Mình thấy mực tươi làm sạch rồi đem chế biến, ra món gì cũng ngon mê tơi.

Trong menu của các nhà hàng hải sản hay những mâm cỗ có một món mực rất thường xuất hiện, đó là mực xào dứa. Màu sắc bắt bắt cùng với mùi thơm phưng phức khiến món này chiếm được cảm tình của vô số thực khách.

Mực xào dứa trông khá đơn giản nhưng làm sao để mực giòn ngọt, không bị dai thì lại cần chút “bí kíp”. phụ nữ giỏi thật sẽ chia sẻ tới các bạn trọn bộ bí quyết thành công trong công thức này!

Nguyên Liệu

  • 300 g mực ống
  • 100 g dứa
  • 2 cây cần tây
  • 1 củ hành tây nhỏ
  • 8 tép tỏi
  • 1½ thìa cà phê hạt nêm
  • ½ thìa cà phê tiêu xay
  • 1 thìa cà phê nước mắm

Cách làm mực xào dứa chi tiết

Bước 1: Sơ chế mực

Món ăn có tên là mực xào dứa thì bạn đã đoán được nguyên liệu chính của món ăn là gì rồi phải không?!

Mình sẽ bật mí cho các bạn một số lưu ý để chọn mua được mực và dứa tươi ngon nhé!

Có rất nhiều loại mực khác nhau, nhưng để xào dứa thì bạn nên chọn mua mực ống, mực cơm hoặc mực nút.

Bạn có thể mua mực ở chợ, siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên bán hải sản. Khi chọn mực, bạn chú ý những đặc điểm sau:

  • Chọn những con mực mình căng bóng, không có mùi hôi.
  • Khi ấn nhẹ vào phần thịt cho cảm giác săn chắc, nếu là mực tươi có độ đàn hồi cao sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái ban đầu.
  • Bạn có thể quan sát phần mắt của mực. Mực tươi thì mắt đen láy, trong, không bị lồi, không bị chảy dịch.
  • Đầu mực gắn chặt với thân, không bị đứt, không bị mủn ra.
  • Khi cầm vào râu mực, các giác hút trên xúc tu có độ bám dính vào da mình.

Tiếp theo, bạn lần lượt sơ chế theo các bước sau:

  • Bạn rửa qua mực với nước. Bạn sử dụng tay sạch, một tay giữ thân mực còn một tay kéo nhẹ đầu mực ra.
  • Túi mực lúc này có thể bị vỡ, tiết ra nhiều mực màu đen. Không phải chất bẩn độc hại gì đâu bạn! Chỉ cần rửa lại với nước sạch là mực sẽ trôi hết.
  • Khi sơ chế đầu mực, nhất là những con mực to thì bạn cần dùng dao xẻ đầu mực. Bạn cắt mắt và lấy phần cứng bên trong ra.
  • Nội tạng mực khi ăn rất đắng, không ngon đâu. Bạn dùng tay luồn vào phía bên trong thân mực, móc bỏ nội tạng đi. Đối với mực trứng thì bạn cần thao tác nhẹ tay hơn, chỉ luồn tay lấy nội tạng thôi, tránh tác động tới phần trứng nhé!
  • Phía bên trong thân mực, bạn sẽ thấy xương sống màu trắng trong. Phần này không ăn được, thậm chí còn khá cứng, bạn rút bỏ đi.
  • Với loại mực to, bạn cũng có thể dùng dao sắc để dọc một đường trên thân mực, mở bên trong ra sẽ dễ làm sạch nội tạng của mực hơn.
  • Bám chắc trên thân mực là lớp da màu tím hồng. Bạn bóc hoặc không đều được, không ảnh hưởng gì đến món ăn cả.
  • Ngoài cách cắt khoanh truyền thống, tùy theo sở thích, bạn thái mực hình bông hoa, hình vảy rồng, hình ống tròn,… Khi mực chín, thịt nở ra trông sẽ rất đẹp.
  • Làm sạch mực xong, bạn rửa lại với nước sạch và để ráo.
  • Nếu sử dụng mực cơm/ mực nút, bạn cần thao tác thật nhanh chóng để mực không bị nát và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.Khi sơ chế bạn chỉ cần rửa nhiều lần bằng nước sạch rồi để ráo. Túi mực và ruột bên trong khá nhỏ nên hơi khó lấy ra. Hơn nữa, vị của chúng không đắng như những loại mực có kích thước to, có thể ăn được nên thường người ta sẽ để nguyên.Làm mực xong, bạn hãy chuẩn bị một nồi nước, đập dập ít gừng cho vào đun sôi. Khi nước sôi bùng lên, bạn thả mực vào chần sơ 30 giây rồi vớt ra ngay. Nếu dùng mực cơm/ mực nút, kích thước chúng khá nhỏ, sẽ rất nhanh chín nên bạn không cần chần mực qua nước sôi cũng được.

    Việc chần qua nước gừng sôi có tác dụng làm bì mực săn lại, khi xào mực sẽ nhanh chín, ít bị ra nước và giữ được độ giòn dai sần sật. Ngoài ra, bước này còn giúp khử bớt mùi tanh của mực. Nếu nhà có người nhạy cảm với mùi hải sản thì bạn càng không nên bỏ qua bước này.

    Mực là một loại nguyên liệu rất nhạy với nhiệt, dễ bị dai nếu nấu lâu. Vậy nên khi chế biến mực, bạn lưu ý một chút đến mức nhiệt và thời gian nấu để có thể bảo toàn được hương vị và dưỡng chất của nguyên liệu nhé!

    Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác

    Đối với dứa tươi, bạn chọn mua dựa trên những đặc điểm ngoại quan sau:

    • Chọn mua quả có mắt to, mắt thưa để cùi dứa được dày hơn, thơm ngọt.
    • Quả dứa cầm lên có cảm giác nặng chắc tay, không bị dập mềm.
    • Nên chọn quả dứa có vỏ vẫn còn hơi xanh một chút thì độ chín vừa phải, xào sẽ ngon hơn. Những quả vỏ đã chuyển sang màu vàng cam, có mùi thơm đậm nghĩa là đã khá chín, sẽ thích hợp để ăn tươi hơn.

    Hành tây bạn chọn mua những củ trông tròn tròn, nhiều rễ bên dưới.

    Cần tây bạn mua những cây thẳng, màu xanh lá đẹp mắt, còn nguyên phần lá tươi tốt bên trên, không dập úa. Nếu không có cần tây bạn có thể dùng hành lá thay thế.

    Một số gia đình hay dùng cần ta thay cho cần tây vì thích vị của nó, tuy mùi không thơm bằng. Nếu dùng cần ta, thường mình chỉ sử dùng phần lá thôi. Phần thân cần ta khi xào sẽ có vị hơi nhẫn một chút, bạn nên cân nhắc khi dùng.

Phần rau củ, bạn lần lượt sơ chế nhé!

  • Dứa khi mua bạn có thể nhờ người bán gọt vỏ, bỏ sạch mắt dứa. Họ quen tay nên làm sẽ nhanh hơn. Khi đem về nhà bạn rửa qua nước sạch, để cho ráo nước rồi thái thành từng miếng dày cỡ 1 cm.
  • Cần tây bạn cắt gốc, rửa vài lần với nước cho sạch rồi cắt khúc dài khoảng 3 cm. Phần lá chứa nhiều chất xơ, ăn cũng rất ngon nên bạn đừng bỏ đi nhé!
  • Hành tây bạn cắt rễ, bỏ vỏ, rửa sạch rồi đem bổ múi cau.
  • Tỏi bạn bóc vỏ, rửa qua rồi đập dập, băm nhỏ.

Bước 3: Xào các nguyên liệu

Mực sau khi chần cần được đem xào ngay, nếu để lâu ngoài không khí, hơi nước trong mực bay hơi hết sẽ khiến thịt mực bị khô và dai.

Bạn phi thơm một nửa chỗ tỏi đã đập dập rồi cho toàn bộ mực vào xào trong 3 phút và nêm nếm gia vị. Xào mực xong, bạn trút ra một chiếc đĩa để riêng. Bước này giúp mực ngấm đều gia vị hơn.

Phần tỏi còn lại bạn phi thơm rồi lần lượt cho hành tây, dứa và cần tây vào xào khoảng 2 phút rồi nêm nếm vừa ăn. Nếu nhà bạn có người thích ăn cay thì có thể thêm ớt quả thái lát vào để xào cùng.

Sau khi xào phần rau củ chín, bạn cho mực vào đảo cùng chừng 1 phút rồi tắt bếp.

Bước này giúp hương vị của mực thấm đượm vào từng miếng rau củ. Đồng thời, vị chua ngọt của dứa, vị cay nhẹ của hành tây, vị thơm nồng của cần tây cũng sẽ ngấm vào từng miếng mực xào. Ngoài dứa, nếu thích, bạn có thể cho thêm các loại rau củ khác (cà chua, cà rốt, tiêu xanh..) vào xào cùng cũng được nhé!

Đối với những loại mực nhỏ (mực cơm, mực nút..), bạn nên xào rau củ trước rồi cho mực vào đảo trực tiếp cùng luôn. Những loại mực nhỏ rất nhanh chín, nếu xào nhiều lần mực sẽ mất nước và bị dai.

Bước 4: Cách Làm Mực Xào Dứa – Hoàn thành

Bạn múc mực xào dứa ra đĩa, rắc chút tiêu xay bên trên.

Vậy là món ăn đã sẵn sàng lên mâm rồi!

Yêu cầu thành phẩm của món mực xào dứa đúng chuẩn nhà hàng là như thế này! Bạn căn cứ vào đây để đánh giá món ăn mình làm nhé!

  • Màu sắc của món ăn quá ư là hấp dẫn. Màu hồng hồng của mực xào xen lẫn với màu vàng tươi của dứa, màu xanh của cần tây và màu trắng trong của hành tây.
  • Hương vị hòa quyện với nhau một cách hoàn hảo. Vị ngọt của mực tươi kết hợp cùng vị chua dịu của dứa lại còn thoang thoảng vị cay nồng của hành tây, cần tây.
  • Mực xào chín tới, giòn giòn, thớ thịt dày dặn cảm giác thỏa mãn khi nhai.

Mực xào dứa ngon nhất sau khi chế biến vẫn còn nóng hổi, thơm lừng. Bạn và gia đình nhanh chóng thưởng thức cho trọn vị ngon nhé!

Khi chế biến mực tươi, bạn nên tính toán vừa đủ nguyên liệu để có thể ăn hết trong bữa. Vì mực sẽ bị dai nếu hâm/ nấu lại nhiều lần. Vừa giảm đi độ thơm ngon vừa không bảo toàn được lượng dinh dưỡng.

Mực xào dứa có gì hấp dẫn?

Mực xào dứa có gì hấp dẫn mà hễ nhắc tới là thấy thòm thèm nhỉ? Cá nhân mình kết món ăn này ở mấy điểm sau:

Nguyên liệu tươi ngon

Vào mùa dứa, hầu hết các khu chợ dân sinh đều bán rất nhiều. Các cửa hàng bán hải sản tươi sống, không hiếm tại các thành phố lớn. Tại đó, bạn có thể dễ dàng chọn mua loại mực tươi ngon mà bạn mong muốn.

Mua hai thành phần cơ bản này rồi thì không khó để các bạn chế biến món mực xào dứa đâu!

Cách chế biến đơn giản

Mỗi cách chế biến thực phẩm sẽ mang lại một trải nghiệm vị giác khác nhau. Các món xào thường tạo cho chúng ta cảm giác bóng bẩy đẹp mắt và tươi mới.

Mực xào dứa lại còn là menu “3 không” nữa chứ!

  • Không nhiều công đoạn.
  • Không tốn nhiều thời gian.
  • Không làm mất hương vị nguyên bản của mực tươi.

Thế bảo sao mình không “kết đứ đừ” cho được.

Hương vị kết hợp hài hòa

Mực tươi mang vị biển cả mặn mòi kết hợp với dứa ngọt thơm của xứ nhiệt đới, tạo ra một hương vị rất đặc trưng. Món này luôn đem đến trải nghiệm vị giác vô cùng thích thú cho thực khách, đặc biệt là với người Âu.

Màu sắc bắt mắt

Đĩa mực xào dứa có mực hồng hồng, cần xanh xanh, hành tây trăng trắng điểm thêm những lát dứa vàng tươi. Việc kết hợp các nguyên liệu có màu sắc khác nhau, đặc biệt là màu nóng sẽ rất kích thích vị giác. Tạo cho chúng ta cảm ngon miệng hơn khi ăn.

Món ngon thì phải ăn dè!

Hải sản nói chung và mực nói riêng đều chứa hàm lượng đạm khá cao. Giá thành cũng không mềm như nhiều nguyên liệu khác nên các thực đơn từ hải sản sẽ không hay xuất hiện trên mâm cơm ngày thường.

Ở nhiều gia đình, phải khi có khách thì bà chủ căn bếp mới trổ tài nấu mực xào dứa cơ!

Chú ý khi chế biến mực xào dứa

Có khá nhiều tranh luận xoay quanh chủ đề “Có nên kết hợp mực và dứa với nhau không?“. Cá nhân mình khá thích món này và nhiều người cũng vậy. Đến giờ cũng chưa có nghiên cứu nào đưa ra cảnh báo về việc kết hợp hai loại nguyên liệu này với nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý một số điểm sau để đảm bảo sức khỏe về lâu dài:

  • Các loại hải sản khá giàu asen pentavenlent, còn dứa tươi thì chứa nhiều vitamin C. Hai thành phần hóa học này kết hợp cùng nhau với nồng độ lớn có khả năng chuyển hóa thành thạch tín gây ngộ độc. Bởi vậy, bạn chỉ nên sử dụng một lượng dứa tươi vừa phải khi xào cùng mực thôi nhé!
  • Mực tươi có hàm lượng đạm lớn. Bởi vậy những người mắc các bệnh như gout, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ,… nên hạn chế sử dụng loại thực phẩm này.
  • Hàm lượng đường glucose và saccarose trong quả dứa khá cao, vì vậy những người cần kiểm soát lượng đường (người bệnh đái đường, thừa cân, thai phụ…) nên cân nhắc khi dùng món này.
  • Mắt dứa thường là nơi trú ngụ của một loại nấm độc có tên là Candida Tropicalis. Loại nấm này có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải. Bởi vậy, bạn cần làm sạch mắt dứa rồi hẵng đem chế biến nhé!

Viết đến những dòng cuối cùng này hình như bụng của mình đã đói meo rồi. Nói nhỏ với bạn, mực xào dứa là món tủ của mình mỗi khi nhà có khách đấy! Món này không mất nhiều thời gian chế biến lại ngon lành hấp dẫn, quá hợp để lấy lòng mọi người mà.

Thật vui khi biết thêm công thức làm một món ăn thơm ngon. Chúc bạn thành công với món mực xào dứa nhé!

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin