Cách Làm Chè Thái

Màu xanh của chè Thái đến từ đâu? Bí mật sẽ được mình bật mí qua công thức cách làm chè Thái hôm nay.

Chè Thái có lẽ là loại chè được mọi người ưu tiên chọn mua mỗi khi đến quán chè thân quen. Nào là chè Thái sữa dừa, chè Thái khoai, chè Thái chuối, chè Thái thập cẩm,… Biết bao nhiêu loại chè Thái ngon không biết nên ăn món nào đây?

Điểm nhận dạng của chè Thái có lẽ chúng ta đều đã biết. Đó là dạng sợi màu xanh lá cây. Thành phần chính của chè Thái được làm từ bột năng và nước ép lá dứa đó bạn!

Thứ sợi màu xanh lá thanh mát đó không khó làm đâu. Bạn hoàn toàn có thể tự nấu chè Thái xanh rưới sữa dừa thơm ngon ngay tại nhà.

Đây là loại chè Thái cơ bản nhất! Hãy cùng phụ nữ giỏi thật khám phá cách làm chè Thái siêu dễ với tỷ lệ thành công cao nhé!

Nguyên Liệu

  • 200 g bột năng
  • 15 lá dứa to
  • 150 ml nước sạch
  • 200 ml nước sôi (có thể tận dụng nước luộc bột)
  • 300 ml nước cốt dừa
  • 300 g đường

Dụng Cụ

  • Rây lọc
  • Cây cán bột
  • Dao sắc
  • Thớt gỗ

Cách làm chè Thái chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị bột làm chè

Nguyên liệu làm sợi chè Thái truyền thống gồm hai thành phần chính là bột năng và lá dứa (còn gọi là lá nếp).

Nói đến đây hẳn là bạn đã đoán ra được nguồn gốc của màu xanh lá cây đẹp mắt trong chè Thái do đâu mà có rồi nhỉ? Chính là màu của nước ép lá dứa.

Để có được phần nước cốt xanh đẹp, thơm mùi tự nhiên khi chọn mua bó lá dứa bạn hãy chú ý tới một số điểm sau nhé:

  • Chọn mua lá dứa có bản lá to, lá cứng, chiều dài lá đều nhau.
  • Lá xanh đậm (lá không bị non quá), không bị dập nát, không bị úa vàng.
  • Lá dứa có mùi thơm đặc trưng giống mùi cơm nếp chín.

Lá dứa mua về bạn ngâm qua với nước pha chút muối hạt hoặc nước vo gạo chừng 5-7 phút rồi kỳ rửa  sạch từng lá, đặc biệt là phần gốc cuống lá.

Sau đó, bạn cắt lá dứa thành từng khúc ngắn, cho vào máy xay sinh tố, thêm nước và xay nhuyễn.

Xay lá dứa xong, bạn dùng rây lọc lấy nước màu xanh. Phần bã lá dứa thay vì bỏ đi, bạn có thể tận dụng để ủ phân hoặc bón trực tiếp vào gốc cây để tạo lớp mùn mục.

Bột năng thì mình nghĩ không khó để tìm mua đâu.

Bột năng là một trong những loại bột cơ bản được rất nhiều người nội trợ mua để sẵn tại nhà. Bạn có thể dễ dàng mua tại các quầy hàng xén hay cửa tiệm tạp hóa hoặc siêu thị.

Bạn hãy đong lượng bột năng đủ dùng rồi trộn với nước ép lá dứa đã được lọc kỹ qua rây.

Không nên đổ toàn bộ nước ép lá dứa vào bột năng một lần đâu bạn ạ! Bạn nên đổ từ từ làm nhiều lần để điều chỉnh độ cứng của khối bột, tránh bị nhão nhoét.

Bạn vệ sinh bàn tay cho thật sạch để sử dụng tay trần nhào bột hoặc đeo găng tay cao su cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhé!

Hãy nhào bột năng với nước ép lá dứa cho thật kỹ, để khối bột mềm dẻo. Bạn vừa nhào, vừa thêm nước ép lá dứa để nước ngấm đều vào bột, tạo sự liên kết chắc chắn.

Khi khối bột đã được nhào dẻo mềm, bạn để khối bột ra một bề mặt rộng hơn (thớt/ khay) để tiện cho việc cán mỏng. Quá trình cán bột cần sử dụng thêm chút bột năng để tạo thành lớp áo bên ngoài, giúp bột đỡ bị dính và dễ cán mỏng hơn.

Bạn dùng cây cán bột chuyên dụng để cán bột cho thật mỏng cỡ khoảng 3-4 mm nhé! Bạn có thể chia khối bột ra thành nhiều phần nhỏ hơn để cho dễ thao tác.

Nếu nhà không có sẵn cây cán bột, bạn có thể dùng lọ thủy tinh dạng ống thay thế cũng được.

Sau đó, bạn dùng dao sắc cắt thành từng sợi mảnh, dài cỡ 6 cm.

Quá trình nhào bột, cán bột, cắt bột hơi mất công chút nhưng chẳng phải thú vị lắm sao?

Nếu muốn đơn giản hóa việc cán bột năng, bạn có thể nhờ tới sự trợ giúp của máy làm mì sợi cũng được nhé! Chiếc máy đa năng này không chỉ làm mì sợi, bún sợi mà còn có thể tạo nên những sợi chè Thái nữa.

Sử dụng máy làm mì sợi để làm sợi chè Thái thì đảm bảo thành phẩm của bạn y hệt ngoài quán chè luôn ấy.

Bước 2: Luộc sợi chè Thái

Bạn chuẩn bị một nồi sạch đổ thêm khoảng 500 ml nước.

Sau khi đun sôi nước thì bạn trút toàn bộ phần bột năng đã thái sợi vào nồi để luộc.

Sợi bột năng nên được luộc ngập trong nước sôi nhé! Nếu ít nước quá, sợi bột sẽ không chín được và dễ bị dính vào nhau.

Trong quá trình luộc bạn có thể sử dụng đũa/ muôi lỗ để đảo nhẹ.

Đến khi các sợi bột nổi lên trên mặt nước thì bạn vớt ra nhúng ngay vào âu nước lạnh có thêm chút đá trong khoảng 3 phút.

Bạn có biết tại sao cần ngâm sợi bột năng luộc vào nước đá không? Ngâm nước đá như vậy giúp sợi bột được dai hơn, trong hơn, không bị vón cục hoặc không bị dính vào nhau.

Sau khi ngâm nước đá, bạn đổ sợi chè Thái ra rổ để cho ráo nước nhé!

Bước 3: Nấu sữa dừa

Phần nước luộc sợi chè bạn khoan hẵng đổ đi nhé! Bạn giữ lại khoảng 1 bát ăn cơm nước nhé!

Nước cốt dừa bạn có thể sử dụng loại đóng lon có bán sẵn hoặc tự làm handmade theo hướng dẫn của phụ nữ giỏi thật.

Bạn cho nước luộc bột năng, đường, nước cốt dừa và tí muối vào nồi, đun trên lửa trung bình. Nếu lá dứa còn thừa, bạn bó 2-3 lá thả vào nồi nước dừa để tăng mùi thơm nhé! Bạn khuấy nhẹ tay để đường tan hết và không bị tách béo.

Khi đường đã tan, nếu cần bạn thêm từ từ phần nước luộc sợi chè vào đến khi sữa dừa đạt độ sánh vừa ý thì ngừng. Khi nước dừa vừa sôi lăn tăn, bạn tắt bếp ngay nhé, đừng để sôi bùng.

Chờ nước cốt dừa nguội, bạn có thể đem sử dụng.

Bước 4: Cách Làm Chè Thái – Hoàn thành

Bạn múc từng phần sợi chè Thái xanh ra một chiếc bát hoặc chiếc cốc. Sau đó bạn rưới phần nước dừa đã để nguội bớt lên trên.

Thêm chút đá và thưởng thức chè Thái ngay thôi nào!

Thành phẩm chè Thái ngon lành thỏa mãn những điều kiện sau đây thì xứng đáng nhận điểm cao nhé bạn!

  • Chè Thái có màu sắc cực kỳ hấp dẫn. Màu xanh lá cây của sợi bột năng thấp thoáng trong lớp sữa dừa sánh mịn.
  • Sợi chè Thái dai dai dẻo dẻo, được luộc chín vừa mà không bị nhũn nát.
  • Vị chè Thái ngọt thanh, chuẩn không cần chỉnh. Chè Thái rất thơm ngon và hấp dẫn vị giác nhờ phần nước cốt dừa beo béo hòa quyện với vị thanh mát của sợi chè Thái.

Chè Thái nên được thưởng thức trong ngày để đảm bảo hương vị thơm ngon nhất. Bởi sữa dừa sau khi đun để qua ngày có thể bị chua và phần sợi chè Thái nếu để lâu có thể bị cứng lại, ăn không được ngon nữa.

Chè Thái với những loại topping đa dạng

Tùy theo sở thích, bạn có thể thêm nhiều loại topping thơm ngon để ăn cùng chè Thái nhé! Chúng không chỉ giúp bát chè Thái đầy đặn hơn mà còn đem tới những hương vị mới lạ.

Chè Thái với viên khoai dẻo

Viên khoai dẻo thơm bùi đã từng làm mưa làm gió trên khắp các trang mạng, diễn đàn về ẩm thực. Bao nhiêu bạn trẻ cũng mày mò làm thử tại nhà.

Sợi chè Thái và viên khoai dẻo đều làm từ bột năng. Chúng hoàn toàn phù hợp để ăn cùng với nhau đó bạn!

Chè Thái với trân châu

Trân châu là loại topping không thể nào thiếu tại các quán chè. Cũng có rất nhiều loại trân châu khác nhau để ăn cùng chè Thái tùy theo tay người nấu chè. Điểm chung là chúng đều dai dai ngon ngon.

Chè Thái với sầu riêng

Fan hâm mộ của sầu riêng sẽ không bỏ qua cách kết hợp giữa sầu riêng và chè Thái đâu. Một múi sầu riêng nhỏ sẽ làm bát chè Thái thơm phức nức mũi cho xem.

Chè Thái với mít

Những thớ mít vàng ngon ngọt cùng sợi chè Thái xanh cũng có thể thêm vào bát chè, bát sữa chua. Nhờ vậy mà món quà vặt trông rất ngon lành và tạo thành màu sắc cực kỳ đẹp mắt.

Chè Thái với caramen

Bánh Caramen (bánh Flan) không chỉ được thưởng thức bằng cách xúc ăn trực tiếp mà ngày ngay mọi người thích ăn caramen cùng nhiều loại topping khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến những sợi chè Thái màu xanh cực kỳ nổi bật và không lẫn vào đâu được.

Chè Thái kết hợp với những món chè ngon khác

Chè Thái xanh thơm mát ăn cùng với sữa dừa đã ngon miệng rồi. Nếu bạn muốn đa dạng hóa cách thưởng thức thì hãy tham khảo sự kết hợp giữa chè Thái với một số loại chè khác xem sao nhé!

Chè Thái bưởi

Chè bưởi được rất nhiều người yêu thích bởi vị ngọt nhẹ, cùi bưởi dai giòn nhai hay hay.

Chè Thái bưởi là một trong những cách kết hợp được yêu thích hàng đầu. Mình tin chắc rằng trong bất cứ menu của quán chè nào cũng có món chè Thái bưởi.

Chè Thái khoai

Chè khoai được chế biến từ khoai lang, khoai môn, khoai mì,… Đây là món chè mà những người lớn tuổi, trung tuổi thích ăn. Một phần chè Thái khoai tương đương một suất ăn no nê đầy năng lượng luôn.

Chè Thái chuối

Mình khá tâm đắc với cách kết hợp giữa chè chuối và chè Thái. Chè Thái ngọt thanh trong khi chè chuối ngọt nhẹ, xen chút vị chua dịu.

Món chè chuối lúc mới xuất hiện ở một quán chè gần nhà mình đã thành món đắt hàng nhất. Và tất nhiên, chè chuối ăn kèm với chè Thái luôn là lựa chọn hàng đầu của thực khách.

Chè Thái đỗ

Người Việt Nam chúng ta không còn xa lạ với món chè đỗ xanh, đỗ đen rồi. Hai món chè đỗ này quá dễ dàng để chế biến tại nhà.

Giờ đã biết nấu chè Thái rồi, bạn hoàn toàn dễ dàng để kết hợp chè Thái với chè đỗ nhỉ?

Chè Thái thập cẩm

Chè thập cẩm được kết hợp nhiều loại chè với nhau, chắc chắn thỏa mãn vì giác của người nào có nhu cầu đánh chén nhiều loại chè trong một lần thưởng thức.

Các lớp chè lần lượt được thêm vào rồi lớp trên cùng là chè Thái xanh quả là hợp lý. Đây là lớp trang trí đẹp mắt và cũng giúp cốc chè thập cẩm thêm phần đầy đặn hơn.

Bạn thích ăn chè Thái với loại chè nào, loại topping nào nhất đó?

Cá nhân mình kết nhất chè Thái khoai. Tầm xế chiều mà có bát chè Thái khoai lót dạ thì sung sướng còn gì bằng. Chè Thái thơm mát ăn kèm với mấy miếng khoai môn thì đảm bảo no đến tối luôn.

Biết cách nấu chè Thái rồi mời mọi người xung quanh nếm thử, thể nào cũng nhận được vô số lời khen ngợi có cánh ấy!

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin