Cách Làm Bánh Trôi Tàu

Mấy hôm nay, gió mùa về rồi, cùng phụ nữ giỏi thật học cách làm bánh trôi tàu ấm sực cả chiều đông bạn nhé!

Nếu như phương Nam quanh năm nóng bức nổi tiếng với các món chè từ cốt dừa mát lạnh, thì miền Bắc có hai mùa Thu Đông lại đặc trưng bởi những món ngọt ăn nóng. Ấy là chè sắn nóng, tào phớ nóng, chí mà phù, lục tàu xá và bánh trôi tàu – sủi dìn.

Bánh trôi tàu là món chè du nhập từ Trung Quốc. Tại miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội và Hải Phòng, nó là một món ăn đường phố rất được ưa chuộng khi cái giá lạnh của mùa đông bắt đầu gõ cửa.

Bánh trôi tàu khác bánh trôi ăn vào tiết mồng 3 tháng 3 ở chỗ nó là món nóng. Bát chè đượm hương mật gừng ấm áp. Cắn vào miếng bánh trôi, vỏ bánh mềm dẻo, nhân đỗ xanh bùi bùi, nhân vừng đen thơm thơm, húp miếng nước đường sanh sánh, sao mà quyện ngon đến thế!

Cách làm bánh trôi tàu hơi nhiều công đoạn một chút, nhưng rất bõ công đấy. Mình cùng vào bếp nhé!

Nguyên Liệu

Bột bánh

  • 300 g bột nếp
  • 100 g khoai lang/khoai tây
  • 150-250 ml nước ấm

Nhân đậu xanh

  • 100 g đỗ xanh cà vỏ
  • 30 g đường
  • 1/4 thìa cà phê muối

Nhân vừng đen

  • 100 g vừng (mè) đen
  • 30 g lạc (đậu phộng)
  • 20 g dừa sợi
  • 50 g đường
  • 80 ml nước

Nước đường

  • 1,5 lít nước
  • 300 g đường phên
  • 1 củ gừng nhỏ
  • 3 thìa canh bột sắn dây/bột năng (không bắt buộc)
  • 1/4 thìa cà phê muối

Chi tiết cách làm bánh trôi tàu

Bước 1: Nhào bột bánh

Khoai tây hoặc khoai lang bạn rửa sạch, gọt vỏ, đun chín. Bạn có thể luộc, hấp hoặc quay trong lò vi sóng. Sau đó, bạn tán mịn khoai.

Bột bánh trôi tàu cũng giống như bột bánh trôi, bánh chay, thành phần chính là gạo nếp. Lý tưởng nhất là bạn xay bột từ hạt gạo nếp pha gạo tẻ theo tỉ lệ 4:1.

Ngày nay, để tiện lợi và đơn giản hơn, chúng mình có thể sử dụng bột nếp khô. Bột nếp kém gạo nếp xay ở chỗ chúng kém thơm hơn nhiều, đôi khi bột cũ còn khá nặng mùi.

Cách pha bột làm bánh trôi không phức tạp. Bạn có thể dùng hoàn toàn bột nếp, hoặc pha bột nếp với một số loại bột khác như bột gạo tẻ, bột năng, pha bột nếp với khoai, sắn (khoai mì) nghiền giống như phụ nữ giỏi thật giới thiệu.

Các thành phần pha trộn thêm cốt để ra được vỏ bánh theo ý thích. Trong công thức, lượng khoai thêm vào sẽ giúp vỏ bánh có độ mềm hơn. Nếu bạn thích bánh thật dẻo dai thì dùng hoàn toàn 400 g bột nếp cũng được.

Bạn bóp đều khoai với bột nếp rồi châm nước từ từ, vừa châm vừa nhào. Bạn nên dùng nước ấm nóng thì sẽ dễ nhào hơn.

Lượng nước dao động từ 150 ml tới 250 ml. Nó còn phụ thuộc vào bột cũ bột mới, phần khoai thêm vào ướt hay khô. Vì thế, khi nhào bột, quan trọng là chúng mình phải quan sát.

Bột nhào đạt tạo thành một khối mịn, không dính tay, róc thành âu. Bạn ngắt một viên bột vo thử thấy láng mịn, không chảy xệ mất phom, tức là bột đã đạt rồi. Lúc này, bạn gói kín bột rồi để bột nghỉ 30-60 phút.

Bước 2: Làm nhân đậu xanh

Đậu xanh bạn vo sạch tới khi nước trong. Nếu bạn dùng đậu có vỏ thì đãi sạch vỏ nha. Bạn ngâm đậu 2 tiếng hoặc nấu luôn cũng được. Đậu đã ngâm thì chín nhanh hơn thôi.

Nếu định hấp thì bạn nên ngâm đậu vài tiếng.

Bạn cũng có thể nấu đậu trong nồi bằng cách cho đậu vào nồi, đổ nước ngập một lóng tay. Bạn đun to lửa tới khi bọt trắng sôi mạnh. Bạn nghiêng nồi chắt hết bọt đi, để lại một chút nước ngập sâm sấp mặt đậu.

Bạn đậy kín vung nồi, đun lửa thật nhỏ khoảng 20 phút. Dùng nồi đế dày thì không sợ đậu khê đáy nồi đâu nha!

Bạn kiểm tra bằng cách dùng tay miết nhẹ một hạt đậu. Đậu bở tơi, mịn như bột tức là đậu đã chín.

Có đậu xanh rồi, đơn giản nhất là chúng mình nghiền nát đậu với đường và muối rồi đem vo viên. Làm ngay lúc nóng thì tán nhuyễn dễ dàng và đường tan đều. phụ nữ giỏi thật đề xuất tỉ lệ đậu:đường là 3:1, bạn có thể tăng hoặc giảm tùy ý.

Tuy nhiên, chỉ trộn đậu với đường có thể nhân sẽ hơi khô. Cầu kì hơn một chút, sau khi nghiền đậu, bạn cho đậu lên chảo cùng với đường, muối và 100 ml nước. Bạn sên nhỏ lửa cho tới khi đậu sánh đặc lại như chè kho là đạt.

Không cần sên thì nhân vẫn ngon vì còn ăn chung với nước đường, nhưng nhân có sên thì đương nhiên sẽ mềm mại hơn nhiều.

Khi đậu xanh nguội bớt rồi, chúng mình chỉ cần vo viên. Viên nhỏ viên to tùy bạn.

Bước 3: Làm nhân vừng đen

Vừng đen bạn rửa qua cho sạch bụi rồi đem rang thơm ở lửa nhỏ. Vì màu vừng đen thùi lùi hơn khó canh nên típ nho nhỏ là chúng mình có thể trộn một ít vừng trắng vào. Khi rang, bạn quan sát thấy hạt vừng trắng vàng tới tức là vừng đen cũng đạt rồi.

Vừng chín thơm, bạn đem vừng xay nhuyễn. Nguyên liệu này không thể thay thế bởi vừng đen có mùi vị đặc trưng, tuy dùng vừng trắng cũng ngon nhưng bánh trôi tàu sẽ không còn là bánh trôi tàu nữa.

Lạc bạn rang chín, xát vỏ. Một phần bạn đem xay nát, còn giữ lại một ít để lát nữa rắc lên bát chè.

Dừa nạo nếu không có loại tươi thì bạn dùng dừa khô cũng được. Bạn cũng để riêng một phần để rắc lên chè.

Bạn cho vừng, lạc, dừa, đường và nước lên chảo xào cho quyện lại, dùng tay bóp thử thấy hỗn hợp kết dính với nhau là được.

Lạc và dừa là hai thành phần không bắt buộc. Chúng giúp nhân có hương vị béo ngon, lượng cho vào cũng rất vừa phải, không át đi vị vừng đen đặc trưng.

Nhân vừng đen trong bánh trôi tàu khi ăn sẽ không mịn bùi mà hơi xạm xạm. Nếu bạn thích nhân thật mịn màng thì có thể tham khảo cách làm nhân bánh trung thu vừng đen pha đậu xanh nha.

Bước 4: Nặn bánh và luộc bánh

Bột ủ đủ, bạn nhào lại thử xem có bị khô quá hoặc ướt quá không. Nếu thấy bột hơi khô, bạn thêm từng thìa cà phê nước một, nhào lại. Nếu thấy bột hơi ướt thì bạn áo thêm một chút bột.

Tỉ lệ vỏ:nhân thường rơi vào khoảng 1:1 hoặc 2:1. Một viên bánh trôi tàu thường to cỡ quả trứng gà ta. Bạn tùy thích ăn vỏ dày mỏng thế nào để căn nha.

Bạn ngắt một viên bột, vo tròn, ép dẹp rồi đặt viên nhân vào chính giữa, gói kín. Phần bột chưa dùng đến và bánh nặn xong chưa luộc ngay bạn che đậy kín tránh để bị khô nha.

Gói nhân vừng đen khó hơn nhân đậu xanh, vì kết cấu nhân khá “lỏng lẻo”, cảm giác không chắc tay. Thường người ta sẽ nặn bánh nhân đậu xanh hình tròn, nhân vừng đen nắm chim chim hình bầu dục để phân biệt.

Bạn đun một nồi nước to, chuẩn bị sẵn một bát nước lạnh to bên cạnh. Khi nước sôi, bạn thả bánh vào luộc. Bánh chín nổi lên, bạn vớt ra thả vào bát nước cho chúng khỏi dính vào nhau.

Bước 5: Nấu nước đường

Tương tự như món bánh trôi nước, nước gừng chan bánh trôi tàu thường có độ sánh rất nhẹ. Nếu bột bánh thơm, bạn có thể tận dụng luôn nước luộc bánh. Nước này có bột nếp phôi ra, sánh tự nhiên.

Bạn rửa sạch, giã dập 1 củ gừng nhỏ hoặc cắt sợi tùy thích.

Đường phên bạn thái mỏng.

Bạn đun 1,5 lít nước với gừng, đường, muối tới khi đường tan hết. Khi nước sôi, có thể đường sẽ sủi lên rất nhiều bọt, chúng mình hớt sạch đi nha. Bạn vớt bánh trôi thả vào nồi nước đường, đun thêm 5 phút cho bánh chín hẳn, ngấm vị ngọt.

Nếu thấy nước chưa đủ sánh, bạn có thể hòa bột năng/bột sắn dây với nước rồi xuống bột từ từ.

Nước đường ăn cùng bánh trôi tàu đặc trưng bởi hương mật nồng và vị gừng ấm nóng. Vì thế, nếu không tìm được đường phên, bạn có thể dùng đường thốt nốt, đường thẻ, đường hoa mai,… hoặc thắng caramen đường kính.

Đường phèn hợp với các món chè có vị thanh mát như chè sen nhãn lồng, không hợp với món này đâu nha.

Bước 6: Cách Làm Bánh Trôi Tàu – Hoàn thành

Bánh trôi ngấm nước đường lên màu vàng nâu bóng bẩy. Mỗi bát hai viên, hai loại nhân, chan ít nước đường rồi rắc vừng, dừa và lạc rang. Hiện nay, một số người thích chan thêm ít nước cốt dừa nữa.

Vỏ bánh trôi tàu phải mềm dẻo, hoàn toàn không sượng. Nhân đậu bùi, mềm mại, mướt. Nhân vừng đen thơm béo. Nước đường sánh vừa phải, ấm nóng hương mật, hương gừng. Vị ngọt ôn tồn, đầm trong miệng mà không gắt lên.

Nếu cuối tuần chưa biết nên chiêu đãi cả nhà món gì, thì hãy thử cách làm bánh trôi tàu phụ nữ giỏi thật giới thiệu hôm nay bạn nhé!

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin