cách làm bánh tôm hồ tây

Hôm nay bếp phụ nữ giỏi thật xin chia sẻ với các bạn cách làm bánh tôm Hồ Tây thật ngon, thật giòn, thật chuẩn vị của Hà Nội. 

Bánh tôm là thức quà vặt không hề xa lạ với người Kẻ Chợ. Nói đến bánh tôm, có lẽ ai ai cũng sẽ nghĩ đến bánh tôm Hồ Tây – món ăn đậm chất Hà thành thời bao cấp, là chứng nhân ký ức của nhiều người thời ông bà, bố mẹ chúng mình.

Những chiếc bánh vàng ruộm, giòn tan thời đấy được làm từ chính những con tôm 🦐 vỏ mềm thịt chắc vớt lên từ hồ Tây và khoai lang bùi béo ở bãi sông Hồng. Những buổi hò hẹn ngày cuối tuần, hồ Tây lộng gió, cùng nhau ăn bánh tôm và nói về những mong ước, nỗ lực cho ngày mai.

Món bánh mang hương vị của hồi ức ấy, giờ đây chúng mình có thể làm tại nhà. Ngày cuối tuần, cả nhà quây quần ăn bánh tôm, nghe ông bà, bố mẹ tỉ tê kể về thời phiếu tem khốn khó nhưng đầy niềm vui sống.

Bao nhiêu niềm vui và sự thấu hiểu sẽ nối dài từ căn bếp của chúng mình như thế. Bạn còn chờ gì mà chưa xắn tay áo lên!

Nguyên Liệu

  • Phần bánh tôm
  • 500 g tôm đất
  • 500 g khoai lang
  • 2 quả trứng
  • 150 g bột mỳ
  • 100 g bột gạo
  • 50 g bột năng hoặc bột bắp
  • 1/3 thìa cà phê bột nghệ
  • 1/2 thìa cà phê bột nở
  • 300 ml nước
  • dầu ăn, muối, tiêu
  • Phần nước chấm
  • 100 g đu đủ
  • 100 g cà rốt
  • 1/2 thìa cà phê muối
  • 3 thìa canh đường
  • 2 thìa canh nước cốt chanh hoặc giấm
  • 2 thìa canh nước mắm
  • 180 ml nước lọc
  • Tỏi, ớt
  • Rau sống ăn kèm (húng, mùi, tía tô, xà lách…)

Dụng Cụ

  • Chảo sâu lòng
  • Khuôn bánh tôm hoặc muôi lớn
  • Giấy thấm dầu

Chi tiết cách làm bánh tôm Hồ Tây 

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch và bào sợi. Sau đó, bạn ngâm sợi khoai lang bào trong nước muối loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Bạn nên chọn khoai ruột đỏ để tạo sự bắt mắt cho món ăn nha.

Tôm cắt bỏ râu và phần cạnh đầu cứng. Nếu tôm to bạn có thể bỏ hẳn đầu tôm. Bạn rửa tôm thật sạch, để ráo nước rồi ướp với gia vị.

Bạn có thể để tôm sống cho vào bột lúc chiên, tuy nhiên nếu muốn tạo hình lung linh hơn thì xào sơ để tôm co lại định hình, lúc chiên ra thành phẩm sẽ đẹp hơn.

Đu đủ, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái lát thành miếng nhỏ vừa ăn. Bạn có thể tỉa hoa lá để tạo sự phong phú cho món ăn nha.

Bước 2: Làm bột bánh tôm

Bạn cho trứng, bột mỳ, bột gạo, bột năng (hoặc bột bắp), bột nở, bột nghệ và 1 chút muối vào âu. Bạn thêm 300 ml nước vào hỗn hợp bột và khuấy đều để các nguyên liệu quyện với nhau.

Các ban cũng có thể dùng bột chiên giòn để thay thế cho hỗn hợp bôt. Khi đó bạn chỉ cần trộn trứng gà, bột chiên giòn, bột nghệ, muối và nước là sẽ được hỗn hợp bột để chiên bánh tôm.

Bạn để bột nghỉ khoảng 30 phút rồi cho khoai lang bào sợi vào và trộn đều.

Bước 3: Làm nước chấm dưa góp

Trong thời gian chờ bột nghỉ thì bạn làm dưa góp và nước chấm. Trong cách làm bánh tôm chuẩn vị Tây Hồ này thì không thể thiếu món nước chấm chua ngọt với dưa góp giòn sần sật được.

Bạn cho 1.5 thìa đường, 1 thìa dấm và 1/2 thìa con muối vào trộn đều với đu đủ và cà rốt rồi để khoảng 30 phút cho chúng thấm gia vị.

Tiếp theo, bạn cho 1.5 thìa đường, 1 thìa nước cốt chanh hoặc giấm và 2/3 cốc (khoảng 180 ml) nước lọc ấm vào bát, khuấy đều để đường tan hết cho một hỗn hợp chua ngọt. Mình thường dùng nước sôi để hơi nguội một tí rồi pha để đường dễ tan và đỡ mùi nồng của mắm. Các bạn có thể pha nước để nguội cũng được

Sau đấy bạn thêm 1 thìa canh mắm. Cuối cùng, bạn cho tỏi và ớt băm vào và nêm nếm lại cho hợp khẩu vị.

Khi sẵn sàng ăn, bạn cho phần dưa góp cà rốt đu đủ cho vào bát nước chấm đã chuẩn bị là hoàn thành phần nước chấm ngon lành cho bánh tôm.

Bước 4: Chiên bánh tôm

Bạn đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng dầu. Ban dùng khuôn bánh tôm múc một muôi đầy hỗn hợp bột khoai lang, đặt lên trên một hoặc hai con tôm rồi cho vào chảo dầu. Bạn nên chỉnh cho tôm nằm giữa bánh để tăng tính thẩm mỹ cho món ăn.

Trong trường hợp nhà không có khuôn bánh tôm thì bạn có thể dùng muôi inox hoặc silicon chịu nhiệt thay thế nha.

Bánh tôm chiên đến khi chín vàng giòn thì vớt ra. Bạn nên lót giấy thấm dầu để tránh dầu thừa thấm ngược vào bánh nhé.

Bước 5: Cách Làm Bánh Tôm – Hoàn thành

Bánh tôm phải ăn nóng mới ngon nhé!

Miếng bánh nóng hổi vàng ruộm, sau khi để ráo dầu, được bày lên đĩa cùng các loại rau sống ăn kèm. Bạn có thể cắt bánh tôm thành những miếng nhỏ vừa ăn. Bánh tôm giòn rụm thơm phức ăn kèm rau sống tươi ngon, thêm chút nước chấm cay cay ngọt ngọt thì còn gì hấp dẫn hơn.

Lưu ý trong cách làm bánh tôm

Để bánh có lớp vỏ giòn rụm nhưng phần nhân vẫn giữ được độ mềm và không bị khô thì bạn nên chiên bánh ngập dầu ở nhiệt độ từ 170 – 190 °C. Bạn phải đợi cho dầu sôi thật già rồi cho bánh vào và hạ lửa vừa. Trong quá trình chiên bánh luôn có bong bóng dầu xung quanh bánh tôm là được.

Bánh tôm khi chưa dùng ngay, bạn chỉ nên chiên bánh vừa chín tới rồi vớt ra, đến lúc sắp ăn chiên lại một lần nữa để bánh đảm bảo được độ giòn.

Khi tự làm bánh tôm ở nhà, bạn có thể biến tấu gia giảm nguyên liệu tùy thích. Nhà nào có trẻ em hoặc người lớn tuổi thì bạn có thể bóc vỏ tôm và xào sơ trước khi cho vào chiên bánh nha.

Đặc biệt những nàng đang kiểm soát cân nặng hoặc sợ béo thì có thể thêm khoai và bớt bột lại để giảm lượng calo nạp vào cơ thể nhé.

Khoai lang là thực phẩm giàu chất xơ, có khả năng ngăn cơ thể hấp thu chất béo nên sẽ tạo cho bạn cảm giác no lâu. Ngoài ra nó còn giúp hệ tiêu hóa sản sinh lợi khuẩn hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa. Vì vậy, sẽ không khiến cơ thể tích năng lượng quá nhiều đâu.

Cách làm bánh tôm không quá khó để thực hiện phải không nào? Thật ra, ăn bánh tôm vào những ngày lành lạnh thì sẽ thích hơn. Nhưng có sao đâu khi mình muốn ăn bánh tôm vào ngày hè, nhỉ.

Giờ đây, cùng phụ nữ giỏi thật bạn đã có thể mang hương vị của xứ Tràng An về nhà bất cứ khi nào bạn muốn!

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin