top 20 truyện cổ tích việt nam & thế giới chọn lọc hay nhất

nghe mẹ kể truyện cổ tích không những giúp bé ngủ ngon mà những câu truyện hay ý nghĩa còn giúp cho bé có những bài học bổ ích trong cuộc sống,chính vì thế hôm nay phunuketnoi.com xin giới thiệu các bạn top 20 câu truyện cổ tích Việt Nam và thế giới chọn lọc hay nhất để mẹ đọc cho bé nghe nhé.

truyện cổ tích không những làm dâng trào cảm xúc cho bất cứ bạn nhỏ nào thưởng thức,mà nghe truyện cổ tích sẽ gợi nhớ về tuổi thơ dữ dội của bất cứ ai đã từng trải qua,không những thế thường xuyên nghe kể truyện cổ tích sẽ tạo cho bé yêu nhà bạn kích thích bộ não phát triển toàn diện.

1.truyện cổ tích tấm cám

Ngày xửa ngày xưa, có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị tên là Tấm, em tên là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, sau đó mấy năm cha Tấm cũng qua đời, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám. Bà mẹ kế này rất cay nghiệt, bắt Tấm phải làm hết mọi việc nặng nhọc từ việc nhà đến việc chăn trâu cắt cỏ. Trong khi đó Cám được nuông chiều không phải làm gì cả.

Một hôm bà ta cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng xúc tép, còn hứa “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ”. Ra đồng, Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ, còn Cám thì mải chơi nên chẳng bắt được gì.

Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị :

– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.

Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu. Nghe tiếng khóc của Tấm, Bụt liền hiện lên hỏi :

– Làm sao con khóc ?

Tấm kể lể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo:

– Thôi con hãy nín đi ! Con thử nhìn vào giỏ xem còn có gì nữa không?

Tấm nhìn vào giỏ rồi nói :  – Chỉ còn một con cá bống.

– Con đem con cá bống ấy về thả xuống giếng mà nuôi. Mỗi bữa, đáng ăn ba bát thì con ăn hai còn một đem thả xuống cho bống. Mỗi lần cho ăn con nhớ gọi như thế này:

Bống bống bang bang 

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Không gọi đúng như thế thì nó không lên, con nhớ lấy !

Nói xong Bụt biến mất. Tấm theo lời Bụt thả bống xuống giếng. Rồi từ hôm ấy trở đi, cứ mỗi bữa ăn, Tấm đều để dành cơm, giấu đưa ra cho bống. Mỗi lần nghe Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp những hạt cơm của Tấm ném xuống. Người và cá ngày một quen nhau, và bống ngày càng lớn lên trông thấy.

Thấy Tấm sau mỗi bữa ăn thường mang cơm ra giếng, mụ dì ghẻ sinh nghi, bèn bảo Cám đi rình. Cám nấp ở bụi cây bên bờ giếng nghe Tấm gọi bống, bèn nhẩm lấy cho thuộc rồi về kể lại cho mẹ nghe. Tối hôm ấy mụ dì ghẻ lấy giọng ngọt ngào bảo với Tấm:

– Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.

Tấm vâng lời, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà, mẹ con Cám mang bát cơm ra giếng cũng gọi bống lên ăn y như Tấm gọi. Nghe lời gọi, bống ngoi lên mặt nước. Mẹ Cám đã chực sẵn, bắt lấy bống đem về nhà làm thịt.

Đến chiều Tấm dắt trâu về, sau khi ăn xong Tấm lại mang bát cơm để dành ra giếng, Tấm gọi nhưng chả thấy bống ngoi lên như mọi khi. Tấm gọi mãi, gọi mãi, cuối cùng chỉ thấy cục máu nổi lên mặt nước. Biết là có sự chẳng lành cho bống, Tấm òa lên khóc. Bụt lại hiện lên hỏi:

– Con làm sao lại khóc ?

Tấm kể sự tình cho Bụt nghe, Bụt bảo:

– Con bống của con, người ta đã ăn thịt mất rồi. Thôi con hãy nín đi ! Rồi về nhặt xương nó, kiếm bốn cái lọ bỏ vào, đem chôn xuống dưới bốn chân giường con nằm.

Tấm trở về theo lời Bụt đi tìm xương bống, nhưng tìm mãi các xó vườn góc sân mà không thấy đâu cả. Một con gà thấy thế, bảo Tấm :

– Cục ta cục tác ! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho !

Tấm bốc nắm thóc ném cho gà. Gà chạy vào bếp bới một lúc thì thấy xương ngay. Tấm bèn nhặt lấy bỏ vào lọ và đem chôn dưới chân giường như lời bụt dặn.

Ít lâu sau nhà vua mở hội trong mấy đêm ngày. Già trẻ gái trai các làng đều nô nức đi xem, trên các nẻo đường, quần áo mớ ba mớ bẩy dập dìu tuôn về kinh như nước chảy. Hai mẹ con Cám cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội. Thấy Tấm cũng muốn đi, mụ dì ghẻ nguýt dài, sau đó mụ lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm:

– Khi nào nhặt riêng gạo và thóc ra hai đấu thì mới được đi xem hội.

Nói đoạn, hai mẹ con quần áo xúng xính lên đường. Tấm tủi thân òa lên khóc. Bụt lại hiện lên hỏi:

– Làm sao con khóc?

Tấm chỉ vào cái thúng, thưa:

– Dì con bắt phải nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo, rồi mới được đi xem hội, lúc nhặt xong thì hội đã tan rồi còn gì mà xem.

Bụt bảo: – Con đừng khóc nữa. Con mang cái thúng đặt ra giữa sân, để ta sai chim sẻ xuống nhặt giúp.

– Nhưng ngộ nhỡ chim sẻ ăn mất thì khi về con vẫn cứ bị đòn.

– Con cứ bảo chúng nó thế này:

Rặt rặt (con chim sẻ) xuống nhặt cho tao

Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết

Thì chúng nó sẽ không ăn của con đâu.

Bụt vừa dứt lời, ở trên không có một đàn chim sẻ đáp xuống sân nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nẻo. Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt. Nhưng khi chim sẻ bay đi rồi, Tấm lại nức nở khóc. Bụt lại bảo:

– Con làm sao lại khóc?

– Con rách rưới quá, người ta không cho con vào xem hội.

– Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ thứ cho con trẩy hội.

Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất lấy ra được một cái áo mớ ba, một cái áo xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai lấy ra được một đôi hài thêu. Đào lọ thứ ba thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất bỗng chốc nó đã hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.

Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thắng bộ vào, đoạn cưỡi lên ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một cây cầu đá, Tấm đánh rơi một chiếc hài xuống nước, không cách nào mò lên được.

Khi đoàn xa giá chở vua đi qua cầu, con voi ngự bỗng nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên, không chịu đi. Vua sai quân lính xuống nước thử tìm xem, họ mò được một chiếc hài thêu rất tinh xảo và xinh đẹp. Vua ngắm nghía chiếc hài hồi lâu rồi hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái xem hội ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc giầy thì vua sẽ lấy làm vợ.

Đám hội lại càng náo nhiệt vì các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giầy. Cô nào cô ấy lần lượt kéo vào ngôi lầu giữa bãi cỏ rộng để ướm một tí cầu may. Nhưng chẳng có một chân nào đi vừa cả. Mẹ con Cám cũng trong số đó. Khi Cám và dì ghẻ bước ra khỏi lầu thì gặp Tấm, Cám mách mẹ:

– Mẹ ơi, ai như chị Tấm cũng đi thử hài đấy!

Mụ dì ghẻ bĩu môi:

– Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!

Nhưng khi Tấm đặt chân vào hài thì vừa như in. Nàng mở khăn lấy luôn chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc hài giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng. Lập tức vua sai đoàn tỳ nữ rước nàng vào cung. Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám.

Tuy sống sung sướng trong hoàng cung. Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Nàng xin phép vua trở về nhà để soạn cỗ cúng giúp dì. Mẹ con Cám thấy Tấm sung sướng thì ghen ghét để bụng. Nay thấy Tấm về, lòng ghen ghét lại bùng bốc lên. Nghĩ ra được một mưu, mụ dì ghẻ bảo Tấm:

– Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo lên xé lấy một buồng cau để cúng bố.

Tấm vâng lời trèo lên cây cau, lúc lên đến sát buồng thì ở dưới này mụ dì ghẻ cầm dao đẵn gốc. Thấy cây rung chuyển, Tấm hỏi.

– Dì làm gì dưới gốc thế ?

– Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.

Nhưng Tấm chưa kịp xé cau thì cây cau đã đổ. Tấm ngã lộn cổ xuống ao chết. Mụ dì ghẻ vội vàng lột áo quần của Tấm cho con mình mặc vào cung nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa em vào để thế chị. Vua nghe nói trong bụng không vui, nhưng không biết phải làm thế nào cả.

Lại nói chuyện Tấm chết hóa thành chim Vàng anh, chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang giặt áo cho vua ở giếng, Vàng anh dừng lại trên cành cây, bảo nó:

– Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.

Rồi chim Vàng anh bay thẳng vào cung rồi đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Vua đang nhớ Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:

– Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chui vào tay áo.

Chim vàng anh bay lại đậu vào tay vua rồi rúc vào tay áo. Vua yêu quý vàng anh quên cả ăn ngủ. Vua sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim ở. Từ đó, ngày đêm vua chỉ mải mê với chim, không tưởng đến Cám.

Cám vội về mách mẹ. Mẹ nó bảo cứ bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Trở lại cung vua, nhân lúc vua đi vắng, Cám bắt chim làm thịt nấu ăn rồi vứt lông chim ở ngoài vườn.

Lông chim vàng anh chôn ở vườn hoá ra hai cây xoan đào. Khi vua đi chơi vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng, như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc vọng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào Vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào.

Cám biết chuyện ấy lại về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo, cứ sai thợ chặt cây làm khung cửi rồi kiếm điều nói dối vua. Về đến cung, nhân một hôm gió bão, Cám sai thợ chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Thấy cây bị chặt, vua hỏi thì Cám đáp:

– Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.

Nhưng khi khung cửi đóng xong. Cám ngồi vào dệt lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rủa mình :

Cót ca cót két

   Lấy tranh chồng chị.

   Chị khoét mắt ra

Thấy vậy Cám sợ hãi, vội về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo đốt quách khung cửi, rồi đem tro đi đổ cho rõ xa để được yên tâm. Về đến cung, Cám làm như lời mẹ nói. Nó đem tro đã đốt đi đổ ở lề đường cách xa hoàng cung.

Đống tro bên đường lại mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá xum xuê. Đến mùa có quả, cây thị chỉ đậu được có một quả, nhưng mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Một bà lão hàng nước gần đó có một hôm đi qua dưới gốc, ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu nhìn lên thấy quả thị trên cành cao, bèn giơ bị ra nói lẩm bẩm:

– Thị ơi thị à, rụng vào bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.

Bà lão nói vừa dứt lời, thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà lão nâng niu đem về nhà cất trong buồng, thỉng thoảng lại vào ngắm nghía và ngửi mùi thơm.

Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay, nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon, canh ngọt sẵn sàng, thì lấy làm lạ.

Một hôm bà hàng nước giả vờ đi chợ, đến nửa đường lại lén trở về, rình ở bụi cây sau nhà. Trong khi đó, Tấm từ quả thị chui ra rồi cũng làm việc như mọi lần. Bà lão rón rén lại nhìn vào khe cửa. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà mừng quá, bất thình lình xô cửa vào ôm choàng lấy Tấm, đoạn xé vụn vỏ thị.

Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương nhau như hai mẹ con. Hàng ngày Tấm giúp bà lão các việc thổi cơm, nấu nước, gói bánh, têm trầu để cho bà bán hàng.

Một hôm vua đi chơi ra khỏi hoàng cung, Thấy có quán nước bên đường sạch sẽ, bèn ghé vào. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Thấy trầu têm cánh phượng, vua sực nhớ tới trầu vợ mình têm ngày trước cũng y như vậy, liền hỏi :

– Trầu này ai têm?

– Trầu này con gái lão têm – bà lão đáp.

– Con gái của bà đâu, gọi ra đây cho ta xem mặt.

Bà lão gọi Tấm ra. Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra ngay vợ mình ngày trước, có phần trẻ đẹp hơn xưa. Vua mừng quá, bảo bà lão hàng nước kể lại sự tình, rồi truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung.

Cám Thấy Tấm trở về và được vua yêu thương như xưa, thì không khỏi ghen tỵ. Một hôm, Cám hỏi chị :

– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Chị làm thế nào mà đẹp thế ?

Tấm không đáp, chỉ hỏi lại:

– Có muốn đẹp không để chị giúp !

Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Tấm sai đem xác làm mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu. Mẹ Cám tưởng thật, lấy mắm ra ăn, bữa nào cũng nức nở khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng:

– Ngon ngỏn ngòn ngon ! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.

Mẹ Cám giận lắm, chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày ăn gần hết, dòm vào chĩnh, mụ thấy đầu lâu của con thì kinh hoàng lăn đùng ra chết.

ý nghĩa câu truyện :

– Cái thiện luôn có một sức sống mãnh liệt, không bao giờ chịu khuất phục và đầu hàng trước cái ác.

– Xã hội luôn công bằng và công lý sẽ được thực hiện. Những người lao động chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng sẽ được hưởng hạnh phúc; kẻ tham lam, độc ác sẽ bị trừng trị. Điều này đúng với triết lý: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”.

2.truyện cổ tích cây tre trăm đốt

Ngày xửa ngày xưa, ở làng kia có một lão nhà giàu. Lão thuê một anh nông dân nghèo, khỏe mạnh để cày ruộng cho lão.

Nhà giàu nhiều thóc, nhiều tiền nhưng tính tình chủ nhà lại rất keo kiệt. Lão phải trả tiền công cày cho người làm, vì thế lão suy tính ngày đêm. Cuối cùng thì lão đã nghĩ ra một kế để lừa anh nông dân. Lão nhà giàu cho gọi anh đến và dỗ dành:

– Anh chịu khó cày ruộng cho ta trong ba năm. Hết thời gian đó, ta sẽ cho anh cưới con gái ta.

Anh nông dân thật thà tin lời của lão. Hết vụ lúa mùa đến vụ lúa chiêm, không ngại nắng mưa, sương gió, anh chăm chỉ cày bừa trên cánh đồng của lão nhà giàu. Mỗi mùa gặt, anh thu về cho lão ta rất nhiều thóc lúa. Nhà lão đã giàu lại càng giàu hơn nữa.

Ba năm đã trôi qua, thời hạn làm thuê của anh nông dân cũng đã hết. Lão nhà giàu không muốn cho anh nông dân nghèo khổ cưới con gái của mình, lão lại tìm mưu kế để đánh lừa anh. Lão nhà giàu gọi anh đến và dỗ dành:

– Con ơi, bấy lâu nay con đã chăm chỉ làm việc, ta sẽ cho con cưới con gái ta. Nhưng bây giờ, con phải vào rừng tìm cho được cây tre trăm đốt, đem về đây để làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới.

Anh nông dân thật thà tin lời, vác dao đi ngay vào rừng để tìm và chặt tre.

Đợi anh nông dân đi khỏi làng, lão nhà giàu liền gả con gái lão cho một tên nhà giàu khác ở trong làng. Lão cho giết bò, giết lợn, nấu xôi, mở rượu làm cỗ cưới thật linh đình.

Trong khi đó, anh nông dân một mình lang thang trong rừng. Anh ngả hết cây tre này đến cây tre khác. Anh cẩn thận đếm từng đốt trên các cây tre nhưng chẳng cây nào có đủ một trăm đốt.

Không nản lòng, anh lại tìm đến bụi tre già, anh cố chặt một cây cao nhất, mặc cho gai làm rách cả áo, xước da, cây tre đổ xuống, anh đếm đi, đếm lại vẫn chỉ có hơn bốn mươi đốt. Anh buồn quá, ngồi bên đống tre đốn dở và khóc. Bỗng nhiên anh thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào khoan thai đi đến, ông lão hỏi anh:

– Làm sao cháu khóc?

Anh lễ phép thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong ông lão nói:

– Cháu hãy đi chặt cho đủ một trăm đốt tre mang lại đây, ông sẽ giúp cháu.

Anh nông dân mừng quá, liền chặt đủ một trăm đốt tre rồi đem đến cho ông lão. Ông lão chỉ tay vào đống tre và bảo anh đọc “ Khắc nhập, khắc nhập” ba lần. Lạ thay, anh vừa đọc xong thì một trăm đốt tre dính liền lại với nhau thành một cây tre dài trăm đốt. Ông lão căn dặn anh:

– Cháu không thể vác cây tre này về nhà được vì nó quá dài cháu ạ. Cháu hãy đọc ba lần câu “Khắc xuất, khắc xuất”, các đốt tre sẽ rời ra như cũ. Cháu hãy bó lại và đem về nhà.

Anh nông dân chưa kịp cảm ơn ông lão thì ông lão đã biến mất. Anh đành vác hai bó tre đi về làng.

Về tới nơi, thấy mọi người đang ăn uống vui vẻ, anh nông dân mới biết lão nhà giàu đã lừa dối anh. Anh lẳng lặng để bó tre ngoài sân rồi vào nhà gọi lão nhà giàu ra nhận. Lão nhà giàu không thấy tre, mà chỉ thấy toàn là đốt tre. Lão cười bảo anh:

– Tao bảo mày chặt đem về một cây tre có trăm đốt, chứ có bảo mày đem về một trăm đốt tre đâu?

Chẳng cần trả lời lão, anh lẩm nhẩm đọc “Khắc nhập, khắc nhập” ba lần, tức thì các đốt tre dính liền lại thành cây tre. Lão nhà giàu nhìn thấy lạ quá, bèn chạy lại sờ tay vào cây tre. Anh nông dân thấy vậy đọc luôn “Khắc nhập, khắc nhập”, lão nhà giàu bị dính ngay vào cây tre, không có cách nào gỡ ra được.

Thấy vậy mấy tên nhà giàu khác chạy tới định gỡ cho lão, anh nông dân lại đọc “Khắc nhập, khắc nhập” thế là cả bọn lại bị dính hết vào cây tre. Lão nhà giàu ra sức van xin anh, lão hứa sẽ cho anh cưới ngay con gái lão và từ nay về sau không dám bày mưu lừa gạt anh nữa.

Lúc bấy giờ anh nông dân mới khoan thai đọc “Khắc xuất, khắc xuất” ba lần, tức thì cả bọn nhà giàu rời ra khỏi cây tre. Anh nông dân cưới cô con gái lão nhà giàu làm vợ và hai người sống bên nhau rất hạnh phúc.

ý nghĩa truyện cổ tích cây tre trăm đốt :

– Người tốt, lương thiện sẽ nhận được sự đền đáp xứng đáng, hạnh phúc sau những khó khăn, vất vả đã trải qua.

– Kẻ gian ác, tham lam, dối trá sẽ phải nhận sự trừng phạt thích đáng.

– Người hiền lành, thật thà, tốt bụng sẽ luôn được giúp đỡ vào lúc khó và tuyệt vọng nhất.

3.truyện cây khế

Truyện cổ tích Cây khế hay sự tích ăn khế trả vàng là một câu truyện cổ tích Việt Nam kể về chuyện phân chia tài sản của 2 anh em và bài học ý nghĩa về sự tham lam của con người,khuyên nhủ chúng ta tránh xa những thói xấu tham lam, ích kỷ.

+ Hãy chăm chỉ làm việc để có cuộc sống tốt đẹp hơn từ chính sức lao động chân chính của mình.

  • Hai anh em phân chia tài sản

Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm để lại hai anh em nương tựa vào nhau. Người anh bản tính tham lam, ích kỷ còn người em thì lại hiền lành chất phác và luôn biết nhường nhịn. Khi 2 anh em lập gia đình, người anh muốn chia tài sản và ra ở riêng. Người anh tham lam lấy hết tất cả nhà cửa ruộng vườn, chỉ để lại cho vợ chồng người em một túp lều lụp xụp, trước nhà có 1 cây khế ngọt.

Người em không một lời ca thán, 2 vợ chồng dựng 1 túp lều nhỏ trên mảnh đất ấy và hết lòng chăm sóc cho cây khế. Cũng kể từ đó người anh không lui tới nhà người em nữa. Cây khế năm đó rất sai trái, quả nào quả nấy mọng nước và vàng ruộm. Người em phấn khởi chờ đến ngày đem khế đi bán để lấy tiền đong gạo.

  • Người em và con chim lạ trong truyện cổ tích Cây khế

Nhưng có một hôm, có một con chim lạ rất to bay tới ăn khế. Thấy chim ăn khế, người em bèn cầm một cây gậy đuổi đi, người em nói:

– Chim ơi chim, vợ chồng ta chỉ có một cây khế là tài sản. Chim ăn hết khế của ta rồi ta biết lấy gì mà sống?

Bỗng nhiên con chim lạ lên tiếng trả lời:

Ăn một quả,

Trả cục vàng,

May túi ba gang,

Mang đi mà đựng.

Hai vợ chồng người em nghe chim nói tiếng người thì thấy vô cùng kỳ lạ, nhưng người chồng vẫn bảo vợ may một chiếc túi ba gang như chim nói.

Ngày hôm sau, chim lại đến ăn khế, ăn xong chim bảo người em lên lưng và cõng bay đi. Chim cõng người em bay rất xa, bay qua một ngọn núi, bay qua một vùng biển rộng. Cuối cùng chim đáp xuống một hòn đảo hoang. Trên hòn đảo đầy châu báu, vàng bạc. Người em nghe theo lời chim lấy đủ số vàng bạc, châu báu đựng trong chiếc túi 3 gang rồi lên lưng chim bay trở về.

Từ đó trở đi, gia đình người em trở nên giàu có. Tiền bạc có nhiều, ăn không hết người em lấy ra để giúp đỡ những người nghèo trong làng. Cả làng ai cũng yêu quý người em. Thông tin nhà người em trở nên giàu có tới tai người anh. Người anh bèn tới hỏi thăm thì được người em kể tường tận câu chuyện chim ăn khế trả vàng. Nghe xong, lòng tham trong người anh nổi lên, anh ta bèn đòi đổi toàn bộ tài sản của mình để lấy mảnh vườn và cây khế của người em. Chiều lòng anh, người em đồng ý.

  • Cái kết cho kẻ tham lam trong truyện cổ tích Cây khế

Từ đó, gia đình người anh sống tại túp lều trên mảnh vườn nhỏ và trông đợi vào cây khế.

Một hôm, chim lạ lại bay đến ăn khế, vợ chồng người anh giả nghèo giả khổ than khóc, chim lạ bèn trả lời:

Ăn một quả,

Trả cục vàng,

May túi ba gang,

Mang đi mà đựng.

Người anh mừng quá, giục vợ may túi nhưng không phải 3 gang mà là 12 gang để chờ chim tới đưa đi lấy vàng.

Hôm sau, chim thần tới chở người anh ra đảo hoang lấy vàng. Trên hòn đảo nhiều vàng bạc, châu báu làm hoa mắt người anh. Anh ta tham lam lấy vàng nhét đầy túi 12 gang, không những thế còn cố gắng lấy thêm vàng nhét vào người. Chim thần giục mãi anh ta mới chịu lên lưng chim để trở về.

Chim bay được giữa đường, càng bay càng thấy nặng, chim bảo người anh vất bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh không chịu nghe. Chim dần đuối sức, bay đến giữa biển, vì quá nặng chim lảo đảo, nghiêng cánh khiến người anh cùng tất cả chỗ vàng rơi xuống biển sâu và bị sóng cuốn đi mất. Chim bay đi còn người anh tham lam ôm túi vàng chìm sâu xuống dưới biển.

Ý nghĩa truyện cây khế

Khi đọc truyện cây khế, bài học rút ra cho bé là anh em thì phải biết yêu thương, đoàn kết. Làm người thì không nên quá tham lam, phải có lao động thì mới có thành quả để gặt hái, phải biết ơn người đã giúp đỡ mình.

Truyện cây khế là một câu truyện cổ tích Việt Nam bố mẹ có thể đọc cho con, dạy cho con những bài học ý nghĩa.

4.truyện cô bé quàng khăn đỏ

Cô bé quàng khăn đỏ là một truyện cổ tích Grim của Châu Âu được nhiều bạn nhỏ thích nghe nhất. Câu chuyện kể về cô bé thích quàng chiếc khăn màu đỏ nên người ta gọi cô bé là cô bé quàng khăn đỏ.

Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé dễ thương được mọi người yêu quý. Bà ngoại là người cô yêu quý nhất. Cô được Bà tặng một chiếc khăn màu đỏ rất đẹp, đi đâu cô bé cũng quàng, vì thế nên mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ.

Một hôm, mẹ của cô bé quàng Khăn đỏ bảo cô đem bánh cho bà ngoại. Trước khi cô bé đi, mẹ dặn cô bé:

– Con mang bánh cho bà thì đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng có chó sói sẽ ăn thịt con đấy.

Trên đường đi, cô bé Khăn đỏ thấy đường vòng qua rừng có rất nhiều hoa, nhiều bướm đủ màu sắc đang bay lượn, cô bé không nghe lời mẹ dặn, cô tung tăng đi theo con đường đó. Đi được một quãng thì Khăn đỏ gặp Sóc, Sóc nhắc nhở:

– Cô bé quàng Khăn đỏ ơi, cô quên lời mẹ dặn rồi à? Cô quay lại đi đường thẳng đi, đường đi đường vòng kẻo bị sói ăn thịt.

Mặc cho Sóc can ngăn, cô bé quàng Khăn đỏ vẫn đang mải mê với những chú bướm bay lượn. Cô bé tung tăng trên đường, vừa đuổi bướm, vừa hái hoa.

Khăn đỏ đi tới giữa khu rừng thì gặp Sói. Sói nhìn thấy Khăn đỏ thì mừng lắm, nghĩ thầm có bữa ăn rồi. Ngay lập tức, Sói nhảy ra từ bụi rậm đứng trước mặt cô bé. Sói cất giọng ồm ồm:

– Này, cô bé đi đâu thế?

Nghe chó sói hỏi, cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:

– Bà ngoại cháu bị ốm, mẹ cháu bảo cháu mang bánh sang biếu bà ngoại.

Sói nghe thấy cô bé quàng Khăn đỏ nói đang đi đến Nhà Bà ngoại thì nghĩ thầm “À, thì ra nó còn có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả 2 bà cháu”. Nghĩ vậy, Sói hỏi tiếp:

– Thế nhà bà ngoại cô bé ở đâu?

Cô bé Khăn đỏ trả lời:

– Nhà bà ngoại cháu ở bên kia khu rừng này. Ngôi nhà có ống khói cao tít, chỉ cần đẩy cửa là vào được nhà.

Biết tính cô bé ham chơi, Sói liền bảo:

– Bà cháu đang ốm, vậy cháu hãy đi hái ít hoa mang cho bà đi.

Khăn đỏ tung tăng đi hái hoa, còn Sói chạy thẳng 1 mạch tới nhà bà ngoại cô bé. Nó đẩy cửa vào nhà rồi vồ lấy bà cụ nuối chửng ngay. Ăn thịt xong bà ngoại cô bé, Sói lên giường đắp kín chăn giả vờ là bà ngoại đang ốm chờ Khăn đỏ đến.

Khăn đỏ mải mê hái hoa xong mới nhớ ra bà ngoại đang chờ, cô bé vội vã đến nhà bà ngoại. Nhưng lại thay, cửa nhà bà đã mở sẵn, khăn đỏ gọi nhưng không thấy ai trả lời, cô bé lo lắng, tiến gần hơn tới giường và cất tiếng hỏi bà:

– Bà ơi, bà đã ốm lâu chưa?

Sói nằm trên giường không đáp, giả vờ rên hừ… hừ…Khăn đỏ nói tiếp:

– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.

Cô bé Khăn đỏ tiến đến cạnh giường, nhưng cô bé ngạc nhiên lùi lại hỏi:

– Bà ơi, sao tai bà to thế?

Chó Sói vừa rên vừa đáp:

– Tai bà to để nghe cháu nói rõ hơn.

– Sao mắt bà to thế?

– Mắt bà to để nhìn cháu rõ hơn.

Chưa tin, cô bé Khăn đỏ hỏi lại:

– Sao hôm nay mồm bà to thế?

– Mồm bà to để ăn thịt cháu dễ hơn.

Nói dứt lời, chó Sói vùng dậy nuốt chửng Khăn đỏ vào bụng, cô bé chỉ kịp thét lên một tiếng thật to. Sói ăn no nê, nằm giữa nhà gáy o…o…

Đúng lúc đó, bác thợ săn đi qua. Nghe thấy tiếng gáy o o, bác thợ săn nghĩ chắc chắn không phải tiếng của bà cụ, bác đẩy cửa bước vào thì thấy con chó Sói đang nằm lăn ra ngủ. Bác thợ săn định bắn nhưng nghĩ ra chắc nó đã ăn thịt bà cụ rồi, nhưng vẫn có thể cứu được bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy dao rạch bụng con sói. Bác thợ săn vừa rạch được vài mũi thì thấy một chiếc khăn đỏ chóe, rạch được vài đường nữa thì cô bé Khăn đỏ nhảy ra kêu:

– Trời ơi, cháu sợ quá. Trong bụng sói tối đen như mực.

Bà cụ cũng vẫn còn sống, chui ra thở hổn hển. Khăn đỏ vội đi nhặt đá nhét đầy bụng Sói. Sói tỉnh giấc nhảy lên nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống và lăn ra chết.

Từ dạo ấy trở đi, cô bé quàng Khăn đỏ không bao giờ dám sai lời mẹ dặn nữa.

 ý nghĩa câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ

– Truyện cô bé quàng khăn đỏ dạy trẻ ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ. Trong truyện cô bé không vâng lời mẹ dặn nên suýt chút nữa đã hại mình và hại bà ngoại.

– Bài học cảnh giác với người lạ, tránh xa người lạ.

– Bài học trong truyện dạy bé không được đi la cà, đi đến nơi, về đến chốn.tự nhận biết được đâu là việc tốt để làm, tránh xa các việc xấu, người xấu.

– Truyện cổ tích cô bé quàng khăn đỏ cũng nêu tấm gương người tốt, việc tốt (bác thợ săn) và phê phán kẻ lười biếng phải chịu hậu quả khôn lường ( chó Sói).

5.Truyện cổ tích cho bé: Ba chú heo con

Ngày xưa có 1 bà mẹ heo sinh được ba chú heo con. Ba chú heo hay ăn nên lớn rất nhanh,Khi thấy những đứa con của mình cũng đã lớn, bà mẹ heo mới nói với 3 chú heo con rằng:

Các con giờ cũng đã lớn cả rồi, không còn bé bỏng như ngày xưa nữa. Giờ cũng là lúc ta cho các con ra đi và các con phải tự xây cho mỗi đứa một căn nhà. Nhưng các con phải cẩn thận, đừng để gặp chó sói mà nó bắt ăn thịt”.

Ba chú heo con bắt đầu lên đường, các chú tự bảo với nhau rằng: “3 anh em chúng ta phải cẩn thận, đừng để chó Sói bắt ăn thịt nhé”.

Đi được một đoạn đường thì 3 chú heo gặp một bác nông dân đang vác trên mình một bó rơm to. Ba chú heo đứng lại chào bác nông dân, Chú heo cả nói với bác: “Bác nông dân ơi, bác cho cháu bó rơm này nhé, cháu sẽ tự làm cho mình một ngôi nhà bằng rơm”. Bác nông dân vui vẻ trả lời: “Cháu định làm một ngôi nhà bằng rơm thật sao cậu bé, được thôi ta cho cháu cả bó rơm này đó”.

Chú heo cả vui mừng lấy số rơm mà bác nông dân cho và dựng một ngôi nhà bằng rơm. Dựng xong chú nói: “Giờ ta đã có một ngôi nhà bằng rơm để ở, chó sói không bao giờ bắt được ta để ăn thịt nữa”.

Chú heo thứ 2 nói: “Em sẽ tự mình làm một ngôi nhà chắc chắn hơn ngôi nhà bằng rơm của anh”.

Chú heo út nói: “Em cũng vậy, ngôi nhà bằng rơm của anh rất mong manh, không thể chống lại được gió lớn, em cũng sẽ làm cho mình một ngôi nhà chắc chắn”.

Chú heo thứ 2 và chú heo út tiếp tục lên đường còn chú heo cả thì ở lại với ngôi nhà bằng rơm vừa làm được. Đi được một đoạn đường thì 2 chú heo gặp một bác tiều phu đang vác trên mình một bó cành cây lớn.

Chú heo thứ 2 nói với bác tiều phu: “Bác tiều phu ơi, bác cho cháu bó cây này, cháu muốn làm cho mình một ngôi nhà bằng những cành cây trên”.

Bác tiều phu mỉm cười nói: “Được thôi cậu bé, bác cho cháu hết số cành cây này đó, nếu được cháu hãy thử dựng cho mình một ngôi nhà xem sao”.

Được bác tiều phu cho hết số cành cây, chú heo thứ 2 liền dựng cho mình một ngôi nhà bằng cành cây, dựng xong chú nói: “Ngôi nhà bằng cành cây này nhìn trông chắc chắn hơn ngôi nhà bằng rơm của anh cả rất nhiều, giờ thì không có con sói nào ăn thịt được ta nữa”.

Chú heo út nói: “Em sẽ dựng cho mình một ngôi nhà vững trãi hơn ngôi nhà bằng cành cây của anh”.

Chú heo thứ hai hài lòng với ngôi nhà chú vừa làm xong và ở lại đó, giờ chỉ còn Chú heo út tiếp tục một mình bước tiếp trên cuộc hành trình. Đi được một đoạn đường, chú heo út gặp một bác thợ xây, trên chiếc xe bác đang kéo có rất nhiều viên gạch đỏ.

Chú chào bác thợ xây và nói:

– Bác ơi, bác cho cháu số gạch kia của bác, cháu muốn tự mình xây cho cháu một ngôi nhà bằng gạch đỏ.

Bác thợ xây cười và nói:

– Dĩ nhiên là được chú bé, cháu hãy lấy cho mình số gạch cháu thích.

Có gạch, chú heo út phải mất khá lâu sau mới xây xong được ngôi nhà cho mình, nhưng không sao vì thành quả của chú là một ngôi nhà khá vững trãi và chắc chắn. Chú ta nói:

 Với ngôi nhà này, thì chó sói sẽ không thể nào có thể ăn thịt ta được.

Thế rồi một hôm, có một con chó sói xuất hiện. Nó bước tới ngôi nhà được làm bằng rơm mà chú heo cả đã cất công xây dựng. Khi nhìn thấy chó sói, chú heo cả chạy vội vào vào căn nhà rồi đóng sập cửa lại. Con sói nói:

– Mày nghĩ với ngôi nhà yếu ớt này mà có thể ngăn cản ta ăn thịt mày sao

Nói xong con sói gầm gừ thổi một cái thật mạnh, chiếc nhà bằng rơm yếu ớt đổ sập. Chú heo cả đã bị con sói ăn thịt một cách dễ dàng.

Hôm sau, con sói vẫn đi dọc theo con đường đó. Nó gặp ngôi nhà được làm bằng những cành cây khô của chú heo thứ hai. Chú heo thứ hai nhìn thấy con sói hoảng sợ chạy vào nhà vội vàng đóng kín cửa.

Con sói lại nói:

 Mày thật ngu ngốc, với cái nhà bằng cành cây khô này ta thổi phát thì nó bay, mày nghĩ mày thoát được sao.

Nói xong con sói ra sức thổi thật mạnh, ngôi nhà không chống đỡ được đổ sụp xuống, chú heo kế bị con sói ăn thịt một cách rất dễ dàng.

Vẫn tiếp tục theo con đường đó, đến hôm sau thì nó gặp ngôi nhà bằng gạch của chú heo út. Chú heo út thấy con sói liền chạy thẳng vào nhà, chốt kín cửa. Con sói tiếp tục dọa dẫm:

– Mày không thoát được đâu, hai hôm trước tao đã thổi bay 2 ngôi nhà của hai con heo như mày và ăn thịt chúng nó. Giờ tao sẽ thổi bay nốt căn nhà của mày.

Nói xong con sói tiếp tục thổi dữ dội như hai lần trước, nhưng vì ngôi nhà được làm bằng gạch rất chắc chắn nên nó có cố sức thổi thì ngôi nhà vẫn vậy không hề đổ sập. Nó nghĩ: “Con heo này khá thông minh, để ăn thịt nó chắc chắn ta phải dùng phương pháp mềm mỏng”. Nó nói:

– Này chú heo con, sáu giờ sáng ngày mai, ta với chú sẽ đi đến trang trại của ông Smith, ở đó chúng ta sẽ lấy được những củ cải tươi ngon nhất để nấu cho chúng ta một bữa tối ngon lành.

Oh! Vậy thì tốt quá, tôi rất thích”, chú heo con nói. Nhưng với trí thông minh của mình, chú heo út biết thừa rằng con sói chỉ lừa mình hòng muốn ăn thịt mình mà thôi.

Chính vì thế, sáng ngày hôm sau, 5h chú heo út đã đi tới trang trại của ông Smith, sau khi lấy cho mình rất nhiều củ cải ngon, chú quay trở về nhà trước lúc 6 giờ. Và đúng như con sói hôm qua đã nói, 6 giờ nó sang gõ cửa nhà chú heo con. Thấy tiếng gõ cửa, biết con sói đến chú nói:

Tôi đã đến trang trại của ông Smith và đã mang về cho mình một giỏ đầy củ cải thơm ngon để chuẩn bị cho bữa tối.

Con sói rất bực tức nhưng nó vẫn tỏ ra rất mềm mỏng:

– Vậy thì sáng mai, tôi sẽ cùng bạn đi tới vườn táo của nhà ông Brown, chúng ta sẽ xin ông những quả táo thật đỏ tươi

Vậy à, thế thì tốt quá, tôi cũng rất thích ăn táo”, chú heo con nói.

Sáng hôm sau, chú heo con đã dậy sớm lúc 4 giờ để tới vườn táo ông Brown, trong lúc trèo lên cây đang hái táo, con sói từ đâu bỗng thình lình xuất hiện ngay dưới.

Chú heo út vô cùng sợ hãi, nhưng chú vẫn bình tĩnh giả vờ như không có gì nói với con sói:

 Tôi vừa hái được một trái táo rất ngon và mọng nước, tôi ném cho ông ăn thử nhé

Chú ném trái táo xuống, trái táo lăn tròn ra xa, con chó sói chạy theo nhặt lấy trái táo. Nhân cơ hội đó, chú heo tuột xuống khỏi cây, chạy một mạch thật nhanh về nhà và đóng cửa lại.

Con sói biết mình đã mắc mưu chú heo con, nó bực tức lắm nhưng nó vẫn cố tình ra vè bình thường. Nó đi tới nhà chú heo con và nói:

– Này heo con, nếu bạn thích đi hội chợ thì chiều nay 4 giờ tôi sẽ tới dẫn bạn đi, ở đó có rất nhiều trò chơi vui lắm như đánh đu, cưỡi ngựa xoay vòng.

Oh, thế thì vui lắm nhỉ, tôi rất thích”, chú heo con nói.

Thế là 2 giờ chiều, chú heo con đi đến hội chợ, chú rất thích thú với những trò chơi vui nhộn tại đây. Sau khi chơi thỏa thích, chú mua cho mình một thùng đựng bơ, cái thùng mà trông nó giống như là một chiếc thùng đừng rượu lớn.

Chú heo con trở về nhà, trên đường về nhìn từ xa chú thấy chó sói đang đi lên đồi. Chú hoảng quá nhày vào trong thùng đựng bơ. Chiếc thùng lăn nhanh xuống dốc húc con sói ngã nhào ra đất. Con sói choáng váng không biết cái gì húc vào mình tưởng có cái gì nguy hiểm nên nó sợ quá chạy thục mạng

Xuống cuối dốc, chú heo con nhảy ra khỏi thùng bơ và vác nó trở về nhà.

Ngày hôm sau, chó sói lại tới gõ cửa nhà chú heo con. Nó nói:

– Bạn heo ơi, hôm qua tôi đang đi lên đồi thì bị một cái gì đó lăn xuống húc mạnh. Tôi đau quá nên không đi hội chợ được cùng bạn, chiều nay mình lại đi nhé.

“ha ha” heo con cười và nói:

 Là tôi húc đó, tôi nằm trong cái thùng đựng bơ

Khi sói nghe thế vậy nó tức sôi máu, nó nói lớn:

– Được rồi, tao sẽ ăn thịt mày, tao sẽ leo lên chiếc ống khói và tụt xuống ăn thịt mi, hãy đợi đấy.

Con chó sói leo lên mái nhà, nó theo đường ống khói chui vào trong. Nhưng bên trong nó không ngờ rằng chú heo con đã nấu một nồi nướng sôi thật to chờ nó ở dưới. Con sói ngã mạnh vào nồi chết luôn.

Thế là đáng đời con sói ! Còn chú heo út đã thoát nạn vì chú quá thông minh !

6.truyện cổ tích cậu bé tích chu

Ngày xưa, có một bạn tên là Tích Chu. Bố mẹ Tích Chu mất sớm, Tích Chu ở với bà.

Hàng ngày bà phải làm việc quần quật kiếm tiền nuôi Tích Chu, có thức gì ngon bà cũng dành cho Tích Chu. Ban đêm, khi Tích Chu ngủ thì bà thức quạt. Thấy bà thương Tích Chu, có người bảo:

– Bà ơi! Lòng bà thương Tích Chu cao hơn trời, rộng hơn biển. Lớn lên, Tích Chu sẽ không khi nào quên ơn bà.

Thế nhưng lớn lên, Tích Chu lại chẳng thương bà. Bà thì suốt ngày làm việc vất vả, còn Tích Chu suốt ngày rong chơi. Vì làm việc vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà bị ốm. Bà lên cơn sốt nhưng chẳng ai trông nom. Tích Chu mãi rong chơi với bạn bè, chẳng nghĩ gì đến bà đang ốm. Một buổi trưa, trời nóng nực, cơn sốt lên cao, bà khát nước quá liền gọi:

– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!

Bà gọi một lần, hai lần…rồi ba lần nhưng vẫn không thấy Tích Chu đáp lại. Mãi sau Tích Chu thấy đói mới chạy về nhà kiếm cái ăn. Tích Chu ngạc nhiên hết sức thấy bà biến thành chim và vỗ cánh bay lên trời. Tích Chu hoảng quá kêu lên:

– Bà ơi! Bà đi đâu? Bà ở lại với cháu. Cháu sẽ mang nước cho bà, bà ơi!

– Cúc cu … cu! Cúc … cu cu! Chậm mất rồi cháu ạ, bà khát quá không thể chịu nổi phải hóa thành chim để bay đi kiếm nước. Bà đi đây, bà không về nữa đâu!

Nói rồi chim vỗ cánh bay đi. Tích Chu hoảng quá chạy theo bà, cứ nhằm theo hướng chim bay mà chạy. Cuối cùng Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Tích Chu gọi:

– Bà ơi! Bà trở về với cháu đi. Cháu sẽ đi lấy nước cho bà, cháu sẽ giúp đỡ bà, cháu sẽ không làm bà buồn nữa!

– Cúc …cu…cu, muộn quá rồi cháu ơi! Bà không trở lại được nữa đâu!

Nghe chim nói, Tích Chu òa khóc, Tích Chu thương bà và hối hận. Giữa lúc đó, có một bà tiên hiện ra, bà bảo Tích Chu:

– Nếu cháu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước suối Tiên cho bà cháu uống. Đường lên suối Tiên xa lắm, cháu có đi được không?

Nghe bà Tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng, vội vàng hỏi đường đến suối Tiên, rồi chẳng một phút chần chừ, Tích Chu hăng hái đi ngay.

Trải qua nhiều ngày đêm lặn lội trên đường, vượt qua rất nhiều nguy hiểm, cuối cùng Tích Chu đã lấy được nước suối mang về cho bà uống. Được uống nước suối Tiên, bà Tích Chu trở lại thành người và về ở với Tích Chu.

Từ đấy, Tích Chu hết lòng yêu thương chăm sóc bà.

Ý nghĩa câu chuyện cậu bé Tích Chu

Câu truyện cổ tích cậu bé Tích Chu dạy cho các bé bài học về tật xấu đó là tính ham chơi. Đồng thời, câu chuyện cũng dạy cho bé phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc ông bà, cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình.

7.sự tích con muỗi

Ngày xưa, có một người nông dân hiền lành tên là Ngọc Tâm, có một người vợ xinh đẹp tên là Nhan Diệp. Khác hẳn với tính tình đơn giản của chồng, quanh năm chăm chú làm ăn, người vợ lười biếng xa hoa, chỉ lo thỏa thê sung sướng.

Trong lúc hai vợ chồng tưởng chung sống với nhau đến răng long đầu bạc, thì Nhan Diệp bỗng lăn ra chết.

Người chồng đau đớn quá, không muốn rời xa xác vợ, bèn bán hết tài sản, mua một chiếc thuyền chở quan tài vợ thả bồng bềnh trên mặt nước.

Một buổi sớm mai thuyền đi đến dưới chân một ngọn núi cỏ cây ngào ngạt, Ngọc Tâm lên bờ thấy đủ các kỳ hoa dị thảo, cây cối nặng trĩu trái thì lấy làm lạ bèn phăng lần lên cao. Lưng chừng núi, Ngọc Tâm gặp một ông lão tướng mạo phương phi, râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc đang lần bước. Thấy người có vẻ tiên phong đạo cốt, đoán chừng là thần tiên ở núi Thiên Thai xuất hiện, Ngọc Tâm bèn sụp lạy, rồi thiết tha xin cứu tử hoàn sinh cho người vợ thương yêu.

Vị thần thương hại nhìn Ngọc Tâm hồi lâu rồi nói:

– Ngươi còn nặng lòng vương vấn trần ai, chưa thoát được vòng tục lụy… Ta có thể giúp cho ngươi đạt ước vọng song về sau ngươi đừng có lấy làm ân hận!

Ngọc Tâm theo lời vị thần, dở nắp quan tài vợ ra, chích đầu ngón tay mình nhỏ ba giọt máu vào thi thể Nhan Diệp, thì người đàn bà từ từ mở mắt ra, rồi ngồi lên như sau một giấc ngủ dài.

Trước khi từ giã, vị thần bảo người đàn bà vừa sống lại:

– Đừng quên bổn phận của người vợ… Hãy luôn luôn nghĩ đến lòng thương yêu chung thủy của chồng… Chúc cho hai vợ chồng được sung sướng.

Trên đường về quê, người chồng hối hả giục thuyền đi mau. Một tối thuyền ghé bến, Ngọc Tâm lên bờ mua sắm thức ăn. Trong lúc đó, có một chiếc thuyền buôn lớn đậu sát bên cạnh, chủ nhân là tay lái buôn giàu có chú ý đến nhan sắc lộng lẫy của Nhan Diệp. Hắn gợi chuyện, mời Nhan Diệp qua thuyền mình dùng trà rồi ra lệnh cho bạn thuyền dong hết buồm chạy.

Ngọc Tâm quay về thấy mất vợ, bỏ cả ăn ngủ, ngày đêm đi tìm kiếm, một tháng sau mới gặp. Nhưng người đàn bà đã quen với lối sống xa hoa bên cạnh tay lái buôn giàu có, quên cả tình cũ nghĩa xưa. Thấy rõ bộ mặt thật của vợ, Ngọc Tâm như tỉnh cơn mê, bảo Nhan Diệp:

– Mình được tự do bỏ tôi song tôi không muốn mình còn lưu giữ kỷ niệm gì của tôi nữa, vậy hãy trả lại ba giọt máu của tôi đã nhỏ ra để cứu mình sống lại.

Nhan Diệp thấy được ra đi dứt khoát dễ dàng như thế, vội vàng lấy dao chích đầu ngón tay, nhưng máu vừa bắt đầu nhỏ giọt thì nàng ngã lăn ra chết.

Người đàn bà nông nổi, phụ bạc chết vẫn còn luyến tiếc cõi đời nên hóa kiếp thành một vật nhỏ, ngày đêm đuổi theo Ngọc Tâm, tìm cách ăn cắp ba giọt máu để trở lại làm người. Con vật này luôn luôn kêu than với chồng cũ, như van lơn, như oán hận, như tiếc thương, ngày đêm o o không ngừng. Về sau giống này sinh sôi nẩy nở rất nhiều, người ta đặt tên nó là con muỗi. Vì ghét kẻ phụ bạc, nên mỗi lần muỗi lại gần, người ta không tiếc tay đập cho nó chết.

8.truyện ba lưỡi rìu

Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.

Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.

Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:

-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?

Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:

-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!

Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:

-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.

Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:

– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:

– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.

Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:

-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?

Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:

-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ

Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:

-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!

Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:

-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.

Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:

-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.

Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.

9.truyện cổ tích Cô bé bán diêm

Đọc truyện cổ tích cô bé bán diêm để cảm nhận được số phận bất hạnh của em bé gái và sự thờ ơ của mọi người đối với những người có hoàn cảnh nghèo khổ. Câu chuyện thực sự đã làm lay động cả triệu trái tim.

Đêm ấy, có một bé gái nhỏ đầu trần, chân đất đi trong bóng tối. Hai chiếc giày của cô khá rộng liên tục bị văng mất. Một chiếc bị xe ngựa nghiền và dính theo dòng tuyết cùng bánh xe trôi đi. Một chiếc được một thằng bé lượm được nhưng nó lại mang về làm nôi cho chó. Vì vậy, em không có giầy để đi.

Thời tiết lạnh buốt làm đôi chân em đỏ ửng, bầm tím. Chiếc tạp dề đựng đầy những que diêm và vỏ bao ngoài. Em cố tìm chỗ đông người nhưng ai cũng rảo bước rất nhanh và không ai bận tậm đến cho em.

Em bé lang thang trên người dính đầy tuyết , bụng đói rất đáng thương. Cả đêm giao thừa trên phố đèn sáng rực cùng với mùi ngỗng quay khiến em càng đói hơn. Em nhớ lại khi bà nội còn sống em cũng được đón giao thừa hạnh phúc. Khi bà mất gia đình ly tán, những ngày tháng ấm áp mất đi thay vào đó là lời mắng nhiếc và chửi rủa mỗi ngày.

Em ngồi trong một góc tường co ro. Trời mỗi lúc càng buốt khiến em rất lạnh. Không ai quan tâm cũng như bố thí cho em. Về nhà chắc cũng lạnh như vậy, gió thốc ngoài cửa vào nhưng em phải bán hết chỗ diêm ấy không về cha em sẽ mắng.

Được một lúc tay cô bé bán diêm lạnh buốt và cứng đơ. Em quẹt một que diêm hơ những ngón tay. Ngọn lửa sáng hồng rực rỡ khiến em tưởng như mình đang ngồi trước đống lửa hồng rực vậy. Em hơ tay trên ngọn lửa và ao ước có được chiếc lò sưởi thì quá tốt.  Nghĩ đến trọng trách bán diêm nhưng không thu được gì em vẫn sợ bị bố mắng.

Em tiếp tục quẹt que thứ hai: Que diêm sáng rực. Em gái nhìn thấy bức tường như một tấm rèm. Bên trong là bàn ăn thịnh soạn, có cả ngỗng quay. Điều kỳ diệu là ngỗng cùng cả dao, dĩa tiến về phía em gái. Rồi que diêm vụt tắt. Mọi ảo giác đều biến mất trả lại khung cảnh lạnh lẽo với 4 bức tường, gió bấc, đường phố vắng teo.

Mọi người đi trên đường hoàn toàn không tỏ ra quan tâm tới người nghèo khổ như cô.

Em tiếp tục quẹt que diêm thứ 3. Em thấy cả một cây thông noel to đùng được trang trí lỗng lẫy đầy nến, cây xanh tươi tạo thành bức tranh màu rực rỡ. Em định với tay về cây nhưng diêm tắt. Em thấy tất cả ngọn nến bay lên như sao trời. Khi thấy sao đổi ngôi đồng nghĩa với việc có một linh hồn đang bay lên trời với thượng đế.

Em tiếp tục quẹt một que diêm nữa và thấy người bà hiền dịu xuất hiện. Cô bé nói:

– Bà ơi, bà đừng bỏ cháu một mình ở nơi này. Lúc trước bà bảo cháu ngoan sẽ được gặp lại bà. Cháu xin bà nói với Thượng Đế cho cháu theo bà với. Que diêm vụt tắt khiến mọi hình ảnh tan biến. Chỉ còn lại không nhiều em lấy ra quẹt để níu kéo bà của mình. Bà cụ cầm lấy tay em và bay cao mãi, chẳng còn sợ hãi và đói rét. Họ cùng bay lên trời.

Sáng hôm sau, bầu trời xanh, tuyết vẫn phủ kín mắt đất ai cũng vui vẻ ra khỏi nhà. Họ thấy một cô bé bán diêm má đỏ môi mỉm cười chết trong giá lạnh đêm giao thừa. Có rất nhiều bao diêm, trong đó một bao mà em đã đốt hết nhẵn sưởi ấm cho mình. Không ai có thể thấy cảnh lung linh của hai bà cháu và hai bà cháu bay lên trời đón niềm vui.

10.cây bút thần

Ngày xửa ngày xưa ở một ngôi làng nọ, có một cậu bé rất thông minh tên là Mã Lương. Cha mẹ Mã Lương mất sớm, cậu phải sống cuộc sống côi cút một mình, hàng ngày vào rừng kiếm củi sống qua ngày. Mã Lương rất thích vẽ nhưng vì nhà cậu nghèo quá nên một cây bút vẽ cũng không mua nổi.

Một ngày khi đang trên đường gánh củi đi bán, tình cờ cậu đi ngang qua cửa của một nhà quan lớn trong làng. Cậu quan sát thấy một họa sĩ đang vẽ tranh cho quan xem. Thích quá, cậu cố gắng tiến sát lại cửa sổ để nhìn cho thật kỹ. Cậu mạnh dạn hỏi người họa sĩ:

– Bác hoạ sĩ ơi, cháu thích được vẽ từ hồi nhỏ nhưng nhà cháu nghèo lắm nên không có tiền mua bút, bác có thể cho cháu một chiếc bút vẽ bác nhé!

Viên quan và tay họa sĩ nghe cậu nói vậy thì cười phá lên chế diễu:

– Đã nghèo lại còn đua đòi vẽ vời, thôi mày cứ an phận với nghề bán củi của mày, cút đi cho tao vẽ nốt!

Mã Lương nghe vậy không những không xấu hổ mà còn tức tối đáp lại:

– Việc học thì làm gì phải phân biệt giàu nghèo, chả nhẽ nghèo thì không được học vẽ sao?

Nói xong rồi cậu bỏ đi. Mặc dù bị chế nhạo thẳng thừng như vậy nhưng Mã Lương vẫn không hề bỏ cuộc, cậu quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của chính mình. Tranh thủ mỗi lần lên núi để kiếm củi, cậu nhặt những cành cây rơi dưới đất để vẽ phong cảnh, chim chóc ngay trên nền đất. Khi cắt cỏ gần bờ sông, cậu lại túm những ngọn cỏ lại làm thành bút, chấm xuống nước và vẽ khung cảnh thiên nhiên xung quanh lên tảng đá. Tối về được nghỉ ngơi, cậu lại dùng những hòn than trong bếp củi vẽ lên khắp vách tường trong nhà.

Với lòng đam mê nhiệt huyết dành cho hội họa, cộng với tài quan sát rất tinh tế và tài năng thiên phú, những con chim mà cậu vẽ nên dường như biết hót, những chú cá giống như đang bơi lội tung tăng dưới làn nước trong xanh. Có lần Mã Lương vẽ một con chó sói lên vách núi, vì giống thật quá mà dê, bò… tưởng rằng có sói thật mà sợ hãi không dám lên núi gặm cỏ. Người trong làng thấy Mã Lương chăm chỉ học vẽ bèn hỏi:

– Mã Lương ơi, cháu chăm chỉ học vẽ thế để mai sau đi vẽ cho nhà quan lấy tiền phải không?

Mã Lương lắc đầu đáp rằng:

– Không đâu bác ơi, cháu sẽ không bao giờ dùng tài năng vẽ của mình để phục vụ cho nhà quan. Cháu chỉ vẽ cho người dân nghèo mà thôi!

Với sự siêng năng của mình và tài năng bẩm sinh mà ông trời ban tặng, Mã Lương ngày một tiến bộ. Tuy vậy ước ao của cậu là có được một cây bút vẽ thật sự để vẽ những bức tranh bằng mực thật đẹp thì chưa thế thành hiện thực, cậu vẫn phải vẽ những bức tranh bằng nước hay trên vách đá.

Một đêm nọ, khi Mã Lương đang mơ màng đi vào giấc ngủ thì bỗng trong nhà rực lên một ánh hào quang sáng chói. Bước ra từ luồng sáng đó là một ông cụ râu tóc bạc phơ với đôi mắt hiền từ. Cụ tặng cho Mã Lương một cây bút vẽ và dặn dò rằng:

– Mã Lương, ta tặng cháu cây bút thần này, sở hữu nó cháu sẽ có trong tay rất nhiều phép màu và quyền năng thần kỳ. Nhưng cháu phải ghi nhớ lời cháu đã nói: “Chỉ vẽ để giúp đỡ người nghèo khó, và vì người dân nghèo mà cầm bút vẽ”.

Dặn dò xong xuôi, ông cụ vụt biến mất cùng vầng hào quang khiến cho Mã Lương còn chưa kịp nói lời cảm ơn. Tỉnh dậy, Mã Lương ngỡ đây chỉ là một giấc mộng, nhưng lạ thay khi nhìn xuống thì cây bút vẽ đang nằm trong tay mình. Cậu sung sướng reo lên:

– Tuyệt vời quá! Ta đã có bút để tha hồ vẽ rồi!

Mã Lương hào hứng ngay lập tức trổ tài hội họa của mình. Cậu đưa tay vẽ một chú chim, bỗng nhiên từ trong tranh chú chim bay ra và cất tiếng hót lanh lảnh. Cậu vẽ thêm một con cá thì con cá trong tranh biến thành cá thật và quẫy đuôi bơi tung tăng.

– Quả đúng đây là cây bút thần rồi!– Mã Lương vui sướng reo lên.

Ghi nhớ lời hứa với ông tiên trong giấc mơ, hàng ngày Mã Lương vẽ không biết mệt mỏi để giúp đỡ người dân nghèo trong làng. Nhà nào thiếu cày em vẽ cày, thiếu trâu em vẽ trâu, thiếu ruộng em vẽ ruộng…

Một hôm khi đi ngang qua một mảnh ruộng, thấy bác nông dân gầy gò đang gò lưng kéo cày, đất ruộng rắn khiến cho bác nông dân mồ hôi ướt đẫm mà vẫn không cày nổi. Thương bác vất vả, Mã Lương lấy bút ra vẽ một con trâu to khỏe tặng cho bác

Một tên quan huyện bản tính tham lam nghe ngóng được rằng Mã Lương có trong tay cây bút thần, muốn vẽ gì cũng được, hắn bèn lệnh cho quân lính tới gô bắt Mã Lương giải về. Sau đó hắn ngang nhiên sai bảo cậu vẽ cho hắn thật nhiều vàng bạc châu báu. Nhưng Mã Lương trẻ tuổi kiên quyết đáp lời:

– Ông có giết tôi thì tôi cũng không vẽ!

Tức giận trước sự cứng đầu của Mã Lương, hắn cho quân giam cậu vào ngục tối bỏ mặc cho cậu chịu đói khát, không cho thức ăn nước uống. Đêm hôm đó tuyết rơi dày, trời lạnh cắt da cắt thịt. Tên quan vui mừng nghĩ thầm trong bụng “Chắc chắn thằng ranh Mã Lương đã chết đói chết rét trong đó rồi, cho đáng đời cái tội cãi lời ta”. Đoạn hắn hí hửng khoác áo ấm mò vào ngục xem cậu giờ ra sao. Không thể tin vào mắt mình, vào đến ngục hắn chứng kiến Mã Lương vẫn đang hoàn toàn khỏe mạnh, cậu đang ngồi sưởi bên đống lửa ấm và ăn những chiếc bánh nướng thơm phức.

Tên quan tức giận sai quân lính chạy vào cướp lấy chiếc bút thần của Mã Lương, nhưng khi vừa tới cửa phòng giam thì đã không thấy Mã Lương đâu nữa, còn lại trong phòng là chiếc thang mà cậu vẽ vẫn còn dựa ở đó. Quan đùng đùng nổi giận hò hét quân lính tức tốc đuổi theo nhưng không sao đuổi kịp vì Mã Lương đã nhanh tay vẽ cho mình một con tuấn mã phóng nước đại cao chạy xa bay khỏi làng.

Vì không muốn để lộ khả năng của mình, Mã Lương đã chạy tới một ngôi làng xa rất xa. Cậu ở lại thị trấn đó và làm nghề vẽ tranh để kiếm sống. Vì không muốn những gì mình vẽ ra lại biến thành thật, nên các bức hoạ vẽ ra đều cố tình khuyết đi một thứ gì đó. Con thì thiếu mắt, con thì thiếu chân…

Một hôm, Mã Lương vẽ một con cò trắng, trong lúc vẽ cậu sơ ý để rơi một giọt mực vào mắt con cò. Thế là con cò từ trong tranh vỗ cánh bay ra. Tin tức về cậu bé có tài năng vẽ tranh thành thật nhanh chóng bay đi khắp mọi nơi. Viên quan nơi Mã Lương lập tức báo ngay cho hoàng đế. Ngay sau đó, Mã Lương đã bị quân lính triều đình bắt và điệu về hoàng cung.

Hoàng đế bắt được Mã Lương thì ra lệnh cho cậu vẽ cho hắn những gì hắn muốn. Biết tên hoàng đế này là một kẻ tàn ác chuyên ức hiếp dân lành nên khi hắn bảo vẽ Rồng thì cậu vẽ cho hắn một con tắc kè, hắn sai vẽ chim phượng hoàng thì cậu tặng cho hắn một con quạ đen xấu xí. Hai con tắc kè và quạ hóa thật chui khỏi tranh cắn nhau chí tróe làm hoàng đế tức điên. Hắn cướp cây bút thần và giam Mã Lương vào ngục.

Tên hoàng đế cướp được cây bút thần thì loay hoay vẽ một núi vàng, không ngờ lại thành ra một đống đá, đá từ trên cao rầm rầm rơi xuống làm hắn suýt nữa thì toi mạng.

Biết rằng chỉ có duy nhất Mã Lương mới có thể làm ra được phép màu từ cây bút này, hoàng đế thả Mã Lương ra, ngọt nhạt dùng những lời nịnh nọt hòng dụ dỗ cậu vẽ theo ý hắn. Vì muốn lấy lại cây bút, Mã Lương đã giả vờ đồng ý. Hoàng đế bảo cậu vẽ ra một cây có thể hái ra tiền vàng. Mã Lương múa bút vẽ ra biển cả, sau đó em mới vẽ ra một hòn đảo nhỏ trên đó có cây hái ra tiền vàng.

Hoàng đế lại nhẫn nhịn dụ cậu vẽ cho hắn một con thuyền lớn để lái ra đảo hái vàng trên cây. Mã Lương lại vẽ thuyền đúng như ý hắn. Ngay tắp lự hoàng đế và những tên tham quan vội vàng trèo ngay lên thuyền để ra đảo hái vàng. Mã Lương tiếp tục vẽ ra một cơn gió để đẩy thuyền ra khơi nhanh hơn. Đợi cho thuyền ra xa thật xa bờ, Mã Lương huơ bút vẽ gió nổi rất to, sóng biển cuộn trào dữ dội. Con thuyền chao đảo không thể cự nổi gió to sóng lớn nên đã lật nhào, nhấn chìm cả lũ tham quan và tên hoàng đế tham ác xuống đáy biển sâu.

Sau khi dùng tài năng và trí khôn của mình trừng trị được bè lũ gian ác, Mã Lương lại quay trở về dùng cây bút thần vẽ giúp đỡ dân nghèo.

11.truyện cổ tích nàng tiên ốc

Chuyện xưa kể lại rằng, ở ngôi làng nọ có bà lão sinh sống, tuổi bà cũng đã cao, lại rất nghèo khó. Bởi vì làm lụng vất vả bao năm nên nhìn hình dáng của bà rất ốm yếu, gầy gò, nét mặt của bà thì luôn nhăn nhúm, lúc nào cũng có vẻ đượm buồn.

Bà luôn sống cô đơn trong chiếc lều rách nát, nhỏ hẹp chỉ đủ để che nắng che mưa, nhưng cũng chẳng đủ để ngăn cản những đợt gió rét lạnh khi mùa đông về. Hơn nữa bà cũng chẳng có con hay là cháu để ở bên cạnh chăm nom, đỡ đần mỗi khi trái gió trở trời hay ốm đau, bệnh tật.

Hằng ngày thì bà lão đều phải ra đồng để mò cua và bắt ốc, sau đó lại đem chúng đi đổi thành tiền để mua gạo, mua rau sống cho qua ngày.Vào một ngày nọ, trong lúc bà mải mê bắt ốc thì vô tình bắt được con ốc đẹp đẽ vô cùng. Con ốc này có vỏ màu xanh ngọc bích, cũng chỉ to hơn một chút so với ngón cái của bà lão, nhưng lại tỏa ra được những ánh sáng đẹp lấp lánh khi soi dưới ánh sáng mặt trời.

Bà lão vô cùng vui mừng, liền nâng niu nó trên đôi tay nhăn nheo, gầy guộc và chất đầy những vết chai sạn của mình. Bởi vì thương cho con ốc đẹp nên bà chẳng đem nó đi bán, bà đem nó về nhà mình và nuôi nó trong chiếc chum nước để ngay sân nhà.

Và lại như thường lệ, ngày nào bà cũng chăm chỉ, cặm cụi để làm công việc quen thuộc của mình. Mỗi ngày bà vẫn mang giỏ ra đồng để bắt ốc, mò cua. Tuy nhiên thì mỗi khi về nhà bà lại ngạc nhiên vô cùng. Bởi vì sân nhà đều được quét tước sạch sẽ tươm tất, còn vườn rau ở phía sau thì được nhặt cỏ sạch sẽ, trên bàn có sẵn cơm dẻo canh ngọt tinh tươm hết cả. Dù bà lão có cố sức nghĩ nhưng cũng chẳng thể nào đoán ra được người nào lại tốt bụng mà giúp mình những công việc này.

Ngày hôm sau thì bà cũng vẫn rời nhà ra đồng, tuy nhiên thì khi giữa buổi, bà lão quyết định quay về nhà để tìm hiểu thực hư mọi chuyện ra sao. Khi đến cổng nhà thì bà bỗng nhẹ bước chân, rón ra rón rén bước tới và núp ở sau cửa, bà muốn rình xem người nào đã giúp bà dọn nhà, nấu cơm mấy ngày hôm nay.

Và bà lão đã trông thấy được từ trong chum nước, có một cô gái rất xinh đẹp bước ra ngoài, cô có làn da trắng hồng, có đôi mắt đen to tròn như là mắt của bồ câu, đôi mắt xinh đẹp ấy ẩn dưới hàng lông mi dài cong vút. Cô có một mái tóc dài đen ánh và óng ả. Trên người cô khoác chiếc áo dài màu xanh ngọc bích, và dáng đi của cô thì rất nhẹ nhàng và uyển chuyển.

Cô làm việc nhà rất thành thạo và nhanh thoăn thoắt. Từ việc dọn dẹp cửa nhà, cho tới việc quét sân hay là nhổ cỏ vườn rau, cô làm đều rất nhanh nhẹn và sạch sẽ. Sau khi hoàn thành hết những công việc đó thì cô bắt tay vào đong gạo để nấu cơm.

Nhìn lén đến lúc này, bà lão cũng nhận ra được mọi chuyện. Bà liền nhẹ nhàng đi tới chỗ chum nước, nhanh tay lấy cái vỏ ốc để đập vỡ ra. Khi nghe có tiếng động thì cô gái xinh đẹp vội vội vàng vàng chạy về phía chum nước định chui lại vào trong chiếc vỏ ốc của mình, nhưng mà mọi việc đã muộn rồi, chiếc vỏ ốc của cô đã bị bà lão đập bể tan tành.

Bà lão bước tới ôm chầm lấy cô gái và bảo:

 Con gái à! Con hãy ở lại với mẹ đi!

Kể từ đó về sau thì bà lão cùng với cô gái xinh đẹp sống cùng nhau vui vẻ, hạnh phúc.

12.truyện cổ tích sọ dừa

Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành và chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.

Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời lúc đó nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống cho đỡ khát. Thế rồi, về đến nhà, bà có mang.

Ít lâu sau thì người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không hề có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn bã, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng liền bảo.

– Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.

Lớn lên, Sọ Dừa vẫn cứ thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì giúp mẹ. Bà mẹ phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông lại ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao nhiêu nên phú ông đã đồng ý. Chẳng thể ngờ cậu lại chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò lùa về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người nên đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế.

Một hôm đến phiên cô út mang cơm đến cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô đã nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần nhìn thấy như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ.

Bà mẹ đang buồn phiền cũng ngạc nhiên, phì cư­ời mà nói:

– Mày thì có ma nó lấy! Mình mẩy chân tay chẳng có mà lại đòi lấy vợ.

Như­ng Sọ Dừa thiết tha, nằn nì, thúc giục, cuối cùng bà cũng chiều lòng con phải đánh bạo kiếm một buồng cau đến nói với phú ông.

Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

Bà mẹ đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con, như­ng Sọ Dừa thì điềm nhiên nói rằng:

– Mẹ sang nói ngay với ông chủ là con có đầy đủ các thứ ấy.

Sáng hôm sau đến hạn nạp lễ vật mà tối hôm trư­ớc đó, bà mẹ vẫn chư­a thấy gì ngoài túp lều tranh ở góc v­ườn. Sọ Dừa bảo bà cứ yên tâm, rồi đâu sẽ vào đấy.

Không ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà xuất hiện đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ linh đình. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu cả mà chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người lúc đó thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra vô cùng thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

Ganh tị với cô em, hai cô chị đã sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai cô chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước.

Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, hai quả trứng gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:

ò… ó… o

Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là người vợ của mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Khi đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra kiểu thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

Hai vợ chồng quan Trạng từ đó sống cuộc sống yên bình hạnh phúc.

13.truyện quạ và cáo

Một hôm, Cáo thấy đói tới mức bụng sôi lên ùng ục, nó bèn mò ra khỏi hang để đi tìm thức ăn. Nó nhìn thấy một chú Quạ đang đậu trên cành cây cao, trong miệng ngậm một miếng pho mát vừa mới kiếm được. Cáo thèm đến chảy cả nước miếng, nó đảo mắt một lượt, thấy xung quanh không có ai, liền nói với Quạ: “Bạn Quạ thân mến ơi, bạn có khỏe không?” Quạ chỉ liếc Cáo một cái nhưng không trả lời.

Cáo lại vẫy vẫy đuôi nói: “Bạn Quạ thân mến ơi, tiếng hát của bạn mới hay làm sao, cảm động làm sao, ai cũng thích nghe bạn hát, bạn hãy hát một bài đi nào.

Quạ nghe thấy Cáo khen thì thích chí quá, kêu lên một tiếng “Quạ…” thế nhưng vừa mở miệng thì miếng pho mát rơi xuống. Cáo liền nhanh chóng đớp lấy pho mát và bỏ chạy.

Trò chuyện cùng bé

Tại sao Quạ lại mắc lừa Cáo?

Câu chuyện này nói lên một điều: Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ thấu đáo, không nên bị đánh lừa bởi những lời đường mật của kẻ khác.

14.câu truyện bó đũa

“Câu chuyện bó đũa” là câu chuyện rất thú vị mà mẹ nên kể cho bé nghe. Câu chuyện mang đến ý nghĩa về tình đoàn kết, yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình, đúng với câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ cần đoàn kết nhất định vượt qua khó khăn.

Ngày xửa ngày xưa, có một người cha trước khi chết gọi ba người con trai đến bên giường, đưa cho họ một bó đũa và bảo:

– Các con hãy thử bẻ bó đũa này xem ai có thể bẻ gãy được.

Người con cả gắng hết sức nhưng không thể bẻ nổi bó đũa. Người con thứ cũng bẻ, nhưng vô ích. Người con út lấy hết sức bình sinh để bẻ, bó đũa vẫn không bị gãy một chiếc nào.

Người cha cầm lấy bó đũa và tháo ra, rồi bẻ từng chiếc một, không cần mất sức cũng bẻ gãy hết rồi ôn tồn nói với các con:

– Đó chính là sức mạnh của sự đoàn kết. Nếu các con biết đoàn kết với nhau thì không ai có thể đánh bại được các con. Hãy hứa với cha rằng, ba con sẽ chung sống hoà thuận và đoàn kết, thương yêu nhau sau khi cha nhắm mắt xuôi tay.

Nói xong, người cha trút hơi thở cuối cùng. Ba người con chỉ biết khóc thương cho cha. Sau khi, người cha chết đi đã để lại cho các con của ông rất nhiều tài sản, nhưng lại không nói phải phân chia như thế nào. Ba anh em đều muốn mình tranh lấy phần hơn, không ai chịu nhường ai. Thế rồi, họ dứt khoát chia riêng rẽ mỗi người một gian nhà và không qua lại với nhau nữa, quên hẳn lời cha dặn trước khi qua đời.

Chẳng bao lâu sau, có một chủ nợ đến nhà, đòi 3 anh em phải trả món nợ mà cha họ đã vay trước đây. Ba anh em đùn đẩy nhau, không ai chịu trả nợ cho cha. Chủ nợ kiện 3 người lên quan. Quan phủ bắt 3 anh em mỗi người phải bỏ ra một phần đủ để trả món nợ. Họ vẫn ngoan cố không chịu. Quan phủ liền tịch thu tài sản của họ. Tới lúc ấy, họ mới nhớ tới lời cha nhưng tất cả đều đã “muộn” mất rồi.

15.Sự tích bông hoa cúc trắng

Ngày xửa ngày xưa, ở một xóm vắng có nhà nọ chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau mà sống.

Còn người cha thì đã mất từ rất sớm, để lại hai mẹ con đơn côi trong túp lều nhỏ. Họ phải làm việc vô cùng vất vả thì mới kiếm vừa đủ ăn.

Vào một ngày kia, người mẹ vì làm việc quá nhiều nên bị ốm. Bà liền gọi con gái tới và bảo rằng:

– Con ơi! Giờ con hãy đi tìm thầy thuốc tới đây giúp mẹ.Cô bé vâng lời mẹ, vội vàng ra đi, cô cứ vừa đi vừa lo lắng cho mẹ của mình. Trên đường, cô vô tình gặp một cụ già tóc bạc, râu trắng. Cụ già thấy cô bé vội vã như vậy thì hỏi thăm:– Này cô bé, cháu đi đâu sao mà lại vội thế?

Dù đương vội nhưng cô bé cũng dừng lại trả lời cụ già:

– Thưa cụ, giờ cháu đang đi mời thầy thuốc ạ, mẹ của cháu đang bị bệnh nặng.

Nghe vậy cụ già lại bảo cô bé:

– Ta chính là thầy thuốc. Vậy giờ cháu dẫn ta tới nhà cháu đi, ta sẽ khám bệnh giúp mẹ cháu.

Cô bé hết sức vui mừng, dẫn đường cho cụ già về nhà mình. Đến nơi, cụ già liền khám bệnh cho mẹ của cô. Sau đó thì cụ già mới bảo cô bé là:

– Bệnh của mẹ cháu đã nặng lắm rồi. Nhưng ta sẽ cố gắng hết sức để có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ cháu. Giờ thì cháu phải đi ngay ra chỗ gốc đa ở đầu rừng, cháu sẽ thấy gần đó có bông hoa màu trắng, sau đó cháu hãy đem bông hoa về đây.

Ngoài trời bây giờ đang rất là lạnh. Mà cô bé của chúng ta chỉ mặc có một chiếc áo rất mỏng ở trên người. Nhưng thương mẹ, cô cứ đi mãi, đi mãi, cho đến khi đôi chân đã mỏi nhừ thì cô mới tới được chỗ gốc đa nơi đầu rừng như lời chỉ của cụ già kia.

Khi cô nhìn ngó xung quanh thì thấy ngay ở bụi cây gần đó có một bông hoa màu trắng rất là đẹp. Không chần chừ lâu, cô bé hái bông hoa, nâng niu nó trên tay như là vật quý. Đột nhiên cô bé lại nghe thấy có tiếng nói của cụ già đang văng vẳng ở bên tai mình:

– Bông hoa có bao nhiêu cánh nghĩa là mẹ cháu sống được bấy nhiêu ngày.

Cô bé lập tức nhìn xuống bông hoa và cẩn thận đếm từng cánh một:

– Một cánh, hai cánh, ba cánh, bốn cánh… hai mươi cánh. Trời ơi! Nghĩa là mẹ mình chỉ còn có thể sống được hai mươi ngày nữa sao?

Sau một hồi suy nghĩ thì cô bé liền ngồi xuống, nhẹ nhàng xé từng cánh hoa ra thành rất nhiều sợi nhỏ khác. Và mỗi sợi nhỏ ấy lại trở thành một cánh hoa vừa dài vừa mượt. Từ bông hoa chỉ có hai mươi cánh giờ đã trở thành bông hoa có vô vàn là cánh hoa.

Sau đó cô bé mới đem theo bông hoa chạy nhanh về nhà. Về đến nơi cô đã thấy cụ già kia đứng ngay cửa để chào đón mình. Cụ già tươi cười mà nói với cô rằng:

– Mẹ của cháu khỏi bệnh rồi đấy. Đó chính là phần thưởng cho lòng hiếu thảo, ngoan ngoãn của cháu!

Kể từ đó về sau, hằng năm cứ vào mùa thu là những bông hoa có nhiều cánh lại đua nhau nở rộ, vô cùng xinh đẹp. Và người ta đặt tên cho chúng là bông cúc trắng, nó là biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

16.truyện cổ tích thạch sanh

Ngày xưa ở quận Cao Bình có đôi vợ chồng, tuổi đã già mà chưa có con. Nhà nghèo, hàng ngày họ phải lên rừng chặt những bó củi về đổi lấy gạo sống qua ngày. Vợ chồng họ thường làm các việc như đắp đường khơi cống, đỡ đần người già kẻ yếu mà không nề hà gì cả, tư lợi gì.

Cảm động về sự tốt bụng, thiện nghĩa của vợ chồng già, Ngọc Hoàng bèn cử thái tử xuống đầu thai làm con. Từ đó người vợ có thai, nhưng mấy năm trôi qua bà vẫn chưa sinh nở. Giữa khi ấy, người chồng lâm bệnh mất. Sau đó người vợ sinh được một bé trai khôi ngô, tuấn tú và đặt tên là Thạch Sanh.

Vài năm sau thì mẹ mất, Thạch Sanh sống một mình trong túp lều cũ dưới gốc đa với cái búa đốn củi duy nhất mà cha để lại. Năm Thạch Sanh bắt đầu biết dùng búa, Ngọc Hoàng phái tiên ông xuống dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông cho chàng.

Một hôm có người hàng rượu tên Lý Thông đi bán rượu ghé qua ngồi nghỉ ở gốc đa. Thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, thật thà lại ở một mình, liền kết gạ kết nghĩa làm anh em và đưa Thạch Sanh về nhà.

Lúc bấy giờ ở vùng có một con chằn tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân nhiều lần vây đánh không được. Vì nó có phép thần thông biến hóa, người dân phải cho lập miếu thờ và mỗi năm nộp mạng một người cho nó.

Năm ấy đến lượt Lý Thông phải nộp mình. Mẹ con Lý Thông nghe tin hoảng hốt, bàn mưu tính kế đưa Thạch Sanh đi thế mạng. Khi Thạch Sanh đi lấy củi về, Lý Thông đon đả mời chàng uống rượu và nói:

– Ðêm nay anh phải đi canh miếu thờ trong rừng, nhưng trót cất mẻ rượu, anh đi sợ hỏng, nhờ em thay anh canh miếu một đêm.

Thạch Sanh vui vẻ nhận lời và đi ngay.

Đêm đó Thạch Sanh đang lim dim ngủ thì chằn tinh giơ vuốt, nhe răng hà hơi, nhả lửa, định xông vào miếu ăn thịt chàng. Thạch Sanh bình tĩnh trổ tài đánh nhau với Trăn Tinh, cuối cùng chàng chém được đầu nó, đốt xác nó thành than. Sau đó thấy trong miếu một bộ cung tên bằng vàng ngời sáng. Thạch Sanh mừng rỡ giắt búa, đeo cung và xách đầu chằn tinh đi thẳng về nhà.

Nghe tiếng Thạch Sanh gọi cửa, mẹ con Lý Thông hoảng sợ, nghĩ oan hồn của em kết nghĩa trở về sau khi bị chằn tinh ăn thịt, bèn quỳ lạy van xin:

– Sống khôn, thác thiêng em hãy tạm đi, ngày mai mẹ cùng anh sẽ mua sắm vàng hương, cơm canh, cỗ bàn cúng em chu tất!

Khi Thạch Sanh vào nhà kể cho nghe câu chuyện giết chằn tinh, mẹ con hắn mới hoàn hồn. Lý Thông liền nảy ra một mưu thâm độc mới. Hắn nói với Thạch Sanh rằng:

– Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, tất không khỏi bị tội chết. Thôi bây giờ nhân trời chưa sáng em hãy trốn ngay đi. Có chuyện gì để mặc anh ở nhà lo liệu!

Tin lời mẹ con Lý Thông, Thạch Sanh trở về gốc đa năm xưa sống còn Lý Thông thì đem thủ cấp của yêu quái đến Kinh tâu vua rằng mình đã hạ thủ được chằn tinh. Vua khen ngợi và phong hắn làm Đô đốc quận công.

Lúc đó công chúa Quỳnh Nga – con vua hồi đã đến tuổi lấy chồng. Nhưng nàng vẫn chưa chọn được người nào xứng đáng. Hoàng tử các nước cũng có nhiều người sai sứ đến hỏi công chúa làm vợ nhưng nàng không một ai. Cuối cùng, vua cha quyết định tổ chức ngày hội kén rể lớn cho hoàng tử các nước láng giềng và các chàng trai trong thiên hạ tới dự, tại đây công chúa sẽ ném quả cầu may từ trên lầu cao, hễ quả cầu rơi trúng vào người nào thì nàng sẽ lấy người ấy làm chồng.

Nhưng khi công chúa sắp sửa ném quả cầu thì bỗng có con đại bàng lớn bay qua trông thấy. Đại bàng nguyên là một con yêu tinh ở trên núi có nhiều phép thần dị. Thấy công chúa xinh đẹp, nó liền sà xuống bất thình lình cắp nàng đi.

Lúc đó Thạch Sanh đang ngồi dưới gốc đa. Tình cờ thấy Đại bàng bay qua, chân quắp một người, sẵn cung tên chàng bắn theo một phát. Mũi tên trúng cánh Đại bàng. Nó đau quá phải hạ xuống cắn răng nhổ mũi tên đi rồi lại tha công chúa về hang. Thạch Sanh lần theo vết máu, tìm được chỗ ở của quái vật.

Công chúa Quỳnh Nga mất tích, nhà vua đau đớn, vội sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Vừa mừng vừa sợ, Lý Thông không biết tính thế nào. Cuối cùng hắn nghĩ, chỉ có người em kết nghĩa cũ họa may có thể gỡ bí cho mình.

Hắn bèn một mặt cho quân lính đi khắp nơi dò hỏi, mặt khác truyền cho nhân dân mở hội hát xướng mười ngày để nghe ngóng tin tức Thạch Sanh. Nhưng tám chín ngày trôi qua mà vẫn chưa có tin gì mới mẻ. Mãi đến ngày thứ mười, hắn mới tìm thấy Thạch Sanh trong đám người đi xem hội.

Thấy Lý Thông nói đến việc tìm công chúa, Thạch Sanh thật thà kể chuyện mình bắn Đại bàng cho người anh kết nghĩa nghe. Lý Thông vui mừng, lập tức nhờ chàng dẫn đường cho quân sĩ đến sát hang đá. Cửa hang động ăn thông xuống đất sâu thăm thẳm không một ai dám xuống. Thạch Sanh liền xung phong, tình nguyện buộc dây ở lưng cho người dòng xuống hang thám thính.

Đại bàng từ hôm bị thương về nằm liệt một nơi, bắt công chúa phục dịch. Thạch Sanh xuống đến nơi ẩn vào một xó, chờ lúc công chúa một mình đi qua, mới ra hiệu cho nàng biết. Thấy người trai lạ kia liều chết cứu mình, công chúa vừa ngạc nhiên vừa hết sức cảm phục.

Thạch Sanh lấy thuốc mê bảo nàng cho đại bàng uống. Chờ lúc đại bàng ngủ say, chàng buộc công chúa ở đầu dây ra hiệu cho quân của Lý Thông kéo lên. Chàng đang chờ đến lượt mình lên thì không ngờ Lý Thông đã ra lệnh cho quân sĩ vần đá lớn lấp kín cửa hang động lại, rồi kéo nhau về.

Thạch Sanh không thoát ra được khỏi hang, chàng tức giận vô cùng. Chàng đập phá khắp nơi để kiếm lối thoát. Đúng lúc đó đại bàng tỉnh dậy. Thấy có người lạ, lại thấy mất công chúa, hắn bừng bừng nổi giận xông ra toan giết Thạch Sanh. Thạch Sanh cũng giở phép màu chống lại rất kịch liệt.

Đại bàng bị thương sẵn nên chả mấy chốc đã chuốc lấy thất bại. Sau khi giết chết con yêu tinh, Thạch Sanh đi lục lọi khắp mọi nơi. Thấy có một người con trai bị nhốt trong cũi sắt, chàng hỏi ra mới biết đó là thái tử con vua Thủy.

Cách đây hơn một năm, thái tử đi du ngoạn, tình cờ bị đại bàng bắt đem về nhốt lại ở đây. Thạch Sanh liền dùng cung vàng bắn tan cũi sắt cứu thái tử ra. Thái tử thoát nạn hết lời cảm tạ chàng và mời chàng xuống chơi Thủy phủ.

Vua Thủy sung sướng được gặp lại con, lòng rất biết ơn Thạch Sanh. Vua đãi chàng rất hậu và khi chàng về, vua tống tiễn thật nhiều vàng ngọc nhưng Thạch Sanh không nhận, chỉ xin có mỗi một cây đàn. Thế rồi, chàng lại trở về gốc đa sinh nhai bằng nghề cũ.

Chằn tinh và đại bàng sau khi chết, hồn chúng nó không được ai cúng tế, đành đi lang thang để kiếm ăn. Một hôm chúng tình cờ gặp nhau và mỗi bên kể cho nhau biết vì đâu gặp phải số phận long đong. Sau đó lên kế hoạch hãm hại Thạch Sanh.

Chúng lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới chôn ở gốc đa để vu vạ cho chàng. Quả nhiên sau đó bọn nội thị cứ theo dấu đi tìm, đến gốc đa thì bắt được tang vật. Thạch Sanh liền bị bắt.

***

Công chúa sau khi được Lý đưa về cung thì tự nhiên hóa câm. Suốt ngày mặt hoa rầu rĩ không nói không cười. Vua đành hoãn việc cưới xin và bảo Lý Thông lập đàn cầu nguyện cho nàng mau khỏi bệnh. Lý Thông bèn cho mời các pháp sư có đủ phép thuật cao cường về cúng cầu, nhưng cầu mãi vẫn không ăn thua.

Công chúa ngày ngày ngồi im lặng khiến Lý Thông sốt ruột hơn. Giữa lúc đó thì Thạch Sanh bị bắt và thuộc quyền hắn xét xử. Lý Thông không ngờ người mà hắn cố ý hãm vào chỗ chết lại vẫn sống. Hắn nghĩ: – “Nếu để nó sống, nó sẽ giành mất công ta và tố cáo ta”. Vì thế Lý Thông quyết định khép Thạch Sanh vào tội chết.

Ngồi trong ngục, Thạch Sanh buồn rầu đem đàn của vua Thủy cho ra gảy, không ngờ đấy chính là cây đàn thần, tiếng văng vẳng phát ra lúc này như oán, như than, như tức, như bực. Càng gảy tiếng đàn càng trách sự hững hờ của công chúa và vạch tội ác của Lý Thông.

Tiếng đàn thoát khỏi nhà ngục và truyền đi rất xa. Nó bay vào hoàng cung, lọt vào tai công chúa. Bấy giờ công chúa đang ngồi trên lầu. Vừa nghe tiếng đàn, tự nhiên nàng đứng dậy cười nói huyên thuyên. Câu đầu tiên của nàng là xin vua cha cho gọi người gảy đàn vào cung.

Nhà vua vui mừng và thấy lạ, liền gọi Thạch Sanh đến. Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi thân phận của mình từ lúc mồ côi cha mẹ đến lúc kết bạn với Lý Thông: nào chém Chân tinh, bắn Đại bàng, nào cứu công chúa, bị lấp cửa hang, nào cứu con vua Thủy Tề và bị bắt đến đây…

Vua và hoàng gia cùng nghe càng thương cảm. Vua sai bắt giam hai mẹ con Lý Thông lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng rộng lượng tha cho chúng về quê nhà làm ăn. Nhưng đi về được nửa đường thì chúng bị sét đánh chết.

Nhà vua vui lòng gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kỳ, chưa bao giờ vui đến như thế. Thấy vậy, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận. Họ hội họp binh lính cả mười tám nước lại, sang hỏi tội vua tại sao lại đem con gái cành vàng lá ngọc gả cho kẻ tầm thường?

Nhưng khi nghe tiếng đàn thần thánh thót của Thạch Sanh, tự nhiên quân sĩ của mười tám nước không còn ý chí đánh trận nữa. Cuối cùng hoàng tử các nước đều nhất tề cuốn giáp. Thạch Sanh sai quân lính dọn cơm cho họ ăn. Cả mấy vạn quân sĩ thấy niêu cơm quá nhỏ, ai nấy bĩu môi không buồn cầm đũa. Biết ý, chàng đố họ ăn hết được niêu cơm sẽ trọng thưởng. Quả nhiên chúng ra sức ăn mãi, ăn mãi nhưng ăn hết bao nhiêu cơm lại đầy bấy nhiêu. Sau khi ăn no họ rập đầu lạy tạ và kéo nhau về nước.

Về sau vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh

Bài học rút ra từ truyện cổ tích Thạch Sanh

– Lòng tốt, sự chân thành, thật thà luôn được đền đáp, được mọi người yêu quý, trân trọng.

– Cái thiện luôn được đề cao, ca ngợi và nhận được sự biết ơn.

– Lòng vị tha, thương người là điều cần, đức tính tốt đẹp ai cũng nên có.

– Xã hội luôn công bằng, gieo nhân nào gặp quả ấy: Làm việc tốt ắt được báo đáp, trả công xứng đáng và một cách bất ngờ. Làm việc ác sẽ bị trừng phạt, báo ứng.

– Lòng tốt, hiền lành, sự thật thà sẽ chiến thắng tất cả.

17.Truyện cổ tích cậu bé thông minh

Ngày xưa, vua sai một viên quan đi dò la khắp nước tìm người tài giỏi. Viên quan đó đã đi nhiều nơi, đến đâu cũng đưa ra những câu đố oái oăm để hút mọi người, tuy nhiên mất nhiều công sức mà vẫn chưa tìm thấy người nào thật lỗi lạc, xuất chúng.

Một hôm, viên quan đi qua một cánh đồng, chợt thấy bên vệ đường có hai cha con nhà nọ đang làm ruộng, cha đánh trâu cày, con đập đất. Ông bèn dừng ngựa lại hỏi:

– Này ông lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?

Người cha đứng ngẩn ra chưa biết trả lời thế nào thì đứa con chừng bảy tám tuổi hỏi vặn lại quan:

– Thế xin hỏi ông câu này đã. Nếu ông trả lời được ngựa của ông đi một ngày được mấy bước, tôi sẽ cho ông biết trâu của cha tôi cày một ngày được mấy đường.

Viên quan nghe hỏi lại như thế thì há hốc mồm sửng sốt, không biết đáp sao cho ổn. Ông thầm nghĩ bụng nhất định nhân tài ở đây rồi, chả phải tìm đâu nữa mất công. Quan bèn hỏi tên họ làng xã quê quán của hai cha con rồi phi ngựa một mạch về tâu vua.

Nghe vậy, vua mừng lắm. Nhưng để biết chính xác hơn nữa, vua bèn sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp vài ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con, hẹn năm sau đem nộp đủ, nếu không thì cả làng phải tội.

Dân làng nhận được lệnh vua ban, ai ấy cũng vừa mừng vừa và lo lắng, không biết làm sao trâu đực đẻ được bây giờ? Bao nhiêu cuộc họp làng, bao nhiêu lời bàn tán, vẫn không nghĩ ra được cách gì giải quyết cả. Từ trên xuống dưới mọi người đều coi là một tai vạ.

Nghe thấy tin này, cậu bé con người thợ cày liền bảo cha:

– Chả mấy khi được lộc vua ban, bố cứ thưa với làng ngả thịt hai trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người ăn một bữa thật lớn. Còn một trâu và một thúng gạo, ta sẽ xin làng làm phí tổn cho bố con ta trẩy kinh lo liệu việc đó.

– Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Con đừng có làm dại mà bay đầu đi đó con ạ!

Nhưng cậu bé quả quyết:

– Cha cứ mặc con lo liệu, thế nào cũng xong xuôi.

Người cha vội ra đình trình bày câu chuyện. Cả làng nghe nói vẫn còn ngờ vực, bắt cha con phải làm giấy cam đoan, mới dám ngả trâu.

Mấy hôm sau, hai cha con khăn gói tìm đường tiến kinh. Đến hoàng cung, con bảo cha đứng đợi ở ngoài, còn mình thì nhân lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân khóc um lên. Vua sai lính điệu vào phán hỏi:

– Thằng bé kia mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?

– Tâu đức vua. Mẹ con chết sớm mà cha con thì không chịu đẻ em bé để chơi với con cho có bạn, cho nên con khóc. Dám mong đức vua phán bảo cha con cho con được nhờ. – Cậu bé vờ vĩnh tâu vua.

Nghe nói, vua và các triều thần đều bật cười. Vua lại phán:

– Cháu muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho bố cháu, chứ bố cháu là giống đực làm sao mà đẻ được!

Cấu bé bỗng tươi tỉnh:

– Thế sao làng chúng con lại có lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được kia chứ!

Vua cười bảo:

– Ta thử đấy thôi mà? Thế làng chúng mày không biết đem trâu ấy ra ngả thịt mà ăn với nhau à?

– Tâu đức vua, làng chúng con sau khi nhận được trâu và gạo nếp biết là lộc của đức vua, cho nên đã làm cỗ ăn mừng với nhau rồi.

Vua và đình thần chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc, nhưng đức vua vẫn còn muốn thử cho đến cùng. Hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở nhà công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ và lệnh chỉ bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé lấy một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:

– Ông cầm lấy cái này về tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.

Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.

Lập tức vua cho gọi cả cha con vào ban thưởng hậu hĩnh.

***

Lúc bấy giờ, nước láng giềng nhăm nhe muốn chiếm bờ cõi của nước ta. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ mới sai sứ đưa sang một cái vỏ con ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.

Sau khi nghe sứ thần trình bày mục đích cuộc đi sứ, vua quan đưa mắt nhìn nhau. Không trả lời được câu đố oái oăm ấy tức là thua kém và phải thừa nhận sự lép vế của mình đối với nước láng giềng.

Các đại thần đều vò đầu suy nghĩ. Có người dùng miệng hút mong cho sợi chỉ lọt qua, có người bôi sáp vào sợi chỉ cho cứng để cho dễ xâu… nhưng tất cả mọi cách đều vô hiệu. Bao nhiêu các ông trạng, các nhà thông thái triệu vào đều lắc đầu bó tay. Cuối cùng, triều đình đành tìm cách mời sứ thần tạm nghỉ ở công quán để có thì giờ đi hỏi ý kiến em bé thông minh ngày nọ.

Một viên quan mang dụ chỉ của vua đến nhà em bé vào lúc em còn đùa nghịch ở sau nhà. Nghe quan trình bày ngọn ngành câu đố của sứ giả ngoại quốc, em bé không đáp, chỉ hát lên một câu:

Tang tính tang! Tính tình tang!

Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng

Bên thời lấy giấy mà bưng,

Bên thời bôi mỡ, kiến mừng kiến sang

Tang tình tang…

Rồi bảo: – Không cần tôi phải về triều làm gì. Cứ theo cách đó là xâu được ngay!”.

Viên quan sung sướng trở về tâu vua. Vua và các triều thần nghe nói như mở cờ trong bụng. Quả nhiên con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt kính phục của sứ giả nước láng giềng.

Rồi đó, vua phong cho cậu bé làm trạng nguyên. Vua sai xây dinh thự ở một bên hoàng cung cho em ở để tiện hỏi han.

18.Truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn

Ngày xửa, ngày xưa, ở một vương quốc nọ, khi hoa tuyết như những lông chim trắng nhỏ bay khắp bầu trời, có một bà Hoàng Hậu đang ngồi may vá bên cạnh khung cửa sổ. Khung cửa sổ được làm bằng gỗ mun đen nhánh. Hoàng hậu đang may vá, mải mê ngắm những bông tuyết trắng muốt nên bị kim đâm vào ngón tay. Từ ngón tay chảy ra 3 giọt máu đỏ rơi xuống nền tuyết trắng phau. Hoàng hậu nhìn màu máu đỏ nổi bật giữa nền tuyết trắng, bà thầm ước:

– Ước gì ta có một đứa con gái, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen như gỗ mun khung cửa sổ này.

Một thời gian sau đó, Hoàng hậu hạ sinh được một nàng công chúa nhỏ, da trắng như tuyết, môi đỏ như máu và tóc đen nhánh như gỗ mun. Bà đặt tên con là Bạch Tuyết.

Không may, khi Bạch Tuyết vừa ra đời thì Hoàng hậu lâm bệnh nặng rồi qua đời. Sau một năm để tang vợ, đức vua cưới một người vợ khác để về chăm sóc cho Bạch Tuyết. Hoàng hậu mới xinh đẹp nhưng lại vô cùng kiêu căng, tự phụ và có tính đố kỵ. Bà ta không muốn có ai đẹp hơn mình. Bà ta có một chiếc gương thần và mỗi khi soi gương bà ta đều hỏi:

Gương kia ngự ở trên tường,

Thế gian ai đẹp được dường như ta?

Gương thần đáp lại:

Muôn tâu hoàng hậu, bà là người đẹp nhất trần ạ.

Hoàng hậu vô cùng hài lòng vì bà ta biết gương nói thật.

Thời gian trôi đi, Bạch Tuyết càng lớn càng xinh đẹp. Khi Bạch Tuyết lên 7 tuổi, nàng đẹp như nắng sớm ban mai và đẹp hơn cả Hoàng hậu.

Một hôm, Hoàng hậu hỏi gương thần:

Gương kia ngự ở trên tường,

Nước ta ai đẹp được dường như ta?

Gương thần lần này đáp:

Xưa kia bà đẹp nhất trần,

Ngày nay Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn.

Hoàng hậu nghe nói thì giật mình, lòng ghen tức khiến bà ta tái mặt đi. Cũng kể từ đó trở đi, mỗi khi thấy Bạch Tuyết bà ta lại vô cùng tức giận. Bà ta càng ngày càng ghét cô bé. Một ngày nọ, mụ cho gọi người thợ săn đến và nói:

– Ngươi hãy mang con bé Bạch Tuyết vào trong rừng sâu, ta không muốn nhìn mặt nó nữa. Ngươi hãy giết nó đi, mang tim gan nó về cho ta để làm bằng chứng.

Người thợ săn vâng lệnh và dẫn Bạch Tuyết vào rừng sâu. Khi người thợ săn rút dao chuẩn bị đâm cô bé, thì Bạch Tuyết liền khóc lóc cầu xin:

– Bác ơi, xin bác đừng giết cháu, cháu xin ở lại trong rừng sâu không trở về lâu đài nữa.

Thấy cô bé vừa xinh đẹp lại còn nhỏ, bác thợ săn thương hại bảo:

– Tội nghiệp, thôi cháu đi đi.

Bác thợ săn thả Bạch Tuyết đi và nghĩ bụng “Rồi thú dữ cũng đến ăn thịt nó mất”. Nhưng bác thấy hình như cất được một gánh nặng trong lòng vì không phải giết người.

Đúng lúc đó có một con lợn rừng chạy qua, bác đâm chết và mổ lấy tim, gan đem về làm bằng chứng cho mụ Hoàng hậu độc ác. Mụ Hoàng hậu độc ác sai nhà bếp xào tim gan cho mụ ăn, mụ tin rằng ăn tim gan của Bạch Tuyết sẽ khiến mụ trở nên xinh đẹp hơn.

Về phần Bạch Tuyết, một mình cô bé lủi thủi trong rừng sâu. Bạch Tuyết sợ hãi, cô cứ cắm đầu chạy, giẫm phải gai và đá nhọn, chảy cả máu chân. Thú dữ lượn quanh cô, nhưng không đụng chạm đến cô. Cô đi mỏi cả chân, chập tối, thấy một cái nhà nhỏ, liền vào để nghỉ.

Trong nhà, cái gì cũng bé tí nhưng vô cùng sạch đẹp. Giữa nhà có một cái bàn trải khăn trắng tinh, trên bàn bày bảy cái đĩa nhỏ xinh xinh, mỗi đĩa có một thìa con, một dao con, một nĩa và cạnh đó là một ly cũng nho nhỏ xinh xinh như thế. Sát hai bên tường kê bảy chiếc giường nhỏ nối tiếp nhau, giường nào cũng phủ khăn trắng như tuyết.

Đang đói và khát, Bạch Tuyết ăn ở mỗi đĩa một ít rau, ít bánh và uống ở mỗi ly một hớp rượu vang, vì cô không muốn để một ai phải mất phần. Suốt ngày chạy trốn trong rừng, giờ cô đã thấm mệt muốn đặt mình xuống giường nằm ngủ nhưng giường lại không vừa, cái thì dài quá, cái khác lại ngắn quá. Thứ đến cái thứ bảy mới thấy vừa, Bạch Tuyết nằm và ngủ thiếp đi.

Khi trời tối mịt, những chủ nhân của ngôi nhà nhỏ bé trở về, đó là bảy chú lùn thường ngày đào bới quặng sắt ở trong núi. Họ thắp bảy ngọn đèn xinh xinh, và khi đèn tỏa sáng khắp căn nhà, họ cảm thấy hình như có ai đã vào nhà, vì mọi vật không còn giữ nguyên như khi họ rời căn nhà đi làm nữa.

Chú lùn thứ nhất nói:

– Ai đã ngồi lên ghế xinh đẹp của tôi?

Chú lùn thứ hai nói:

– Ai đã ăn ở đĩa nho nhỏ của tôi?

Chú lùn thứ 3 nói:

– Ai đã ăn bánh của tôi?

Chú lùn thứ tư nói:

– Ai đã nếm rau ở đĩa của tôi?

Chú thứ năm nói:

– Ai đã lấy nĩa bé xíu của tôi đem cắt gì rồi?

Chú thứ sáu nói:

– Ai đã lấy dao xinh xắn của tôi đem cắt gì rồi?

Chú thứ bảy nói:

– Đã có ai uống nước ở ly xinh đẹp của tôi?

Những chú khác cũng chạy lại giường mình và kêu:

– Hình như đã có ai nằm lên giường tôi?

Khi chú thứ bảy nhìn vào giường mình thì thấy Bạch Tuyết đang ngủ. Thế là chú gọi những chú kia chạy tới. Ai nấy đều ngạc nhiên, họ cầm bảy ngọn đèn soi Bạch Tuyết và reo lên:

– Cha, cô bé sao mà xinh đẹp thế!

Cả bảy chú đều vui mừng lắm, không đánh thức cô dậy, để yên cho cô bé ngủ.

Chú lùn thứ bảy đành ngủ nhờ giường bạn, mỗi người một giờ, thế rồi cũng hết một đêm.

Khi trời hửng sáng, Bạch Tuyết tỉnh dậy thấy bảy chú lùn đứng nhìn quanh thì rất sợ. Nhưng bảy người đều vui vẻ thân mật, hỏi cô:

– Cô tên là gì?

Cô trả lời:

– Em tên là Bạch Tuyết.

Mấy chú lùn lại hỏi tiếp:

– Làm sao mà cô tới được nhà của chúng tôi?

Thế là cô kể cho họ nghe chuyện Hoàng hậu định ám hại cô, những người thợ săn đã để cho cô sống và cô đã chạy trốn suốt cả ngày trong rừng tới khi sẩm tối thì thấy căn nhà của họ.

Các chú lùn bảo cô:

– Nếu cô đồng ý trông nom nhà cửa, nấu ăn, rũ giường, giặt quần áo, khâu vá, thêu thùa, quét tước, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ ngăn nắp thì cô có thể ở lại với chúng tôi, cô sẽ không thiếu thứ gì cả.

Bạch Tuyết nói:

– Vâng, thực lòng mà nói, em cũng muốn vậy.

Và từ đó, Bạch Tuyết ở với bảy chú lùn. Cô đảm đương mọi việc trong nhà, sáng sáng các chú lùn vào mỏ tìm sắt và vàng cho mãi tới chiều tối mới về, thì thức ăn của họ đã bày sẵn trên bàn. Suốt cả ngày, Bạch Tuyết ở nhà một mình. Các chú lùn tốt bụng nhắc nhở, căn dặn cô:

– Hãy canh chừng mụ Hoàng hậu nhé! Chẳng bao lâu mụ sẽ biết là cô ở đây. Đừng có cho ai vào nhà đấy!

Ở cung điện, mụ Hoàng hậu đinh ninh tưởng mình đã ăn sạch tim gan của Bạch Tuyết nên chắc chỉ còn mình mình đẹp nhất thế gian. Mụ đứng ngắm mình trước gương và hỏi:

Gương kia ngự ở trên tường,

Nước này ai đẹp được dường như ta.

Nhưng gương thần vẫn trả lời:

Thưa hoàng hậu,

Ở đây bà đẹp tuyệt trần,

Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn,

Nàng ta ở khuất núi non,

Nơi nhà của bảy chú lùn sống chung.

Mụ giật mình, vì mụ biết rằng gương không bao giờ nói dối. Mụ nghĩ ngay là người thợ săn đã đánh lừa mụ và Bạch Tuyết hãy còn sống. Mụ ngồi nghĩ mưu giết Bạch Tuyết cho bằng được, chừng nào mụ chưa được gương gọi là người đẹp nhất thì ghen tức còn làm cho mụ mất ăn mất ngủ.

Sau mụ nghĩ ra một kế, mụ bôi mặt, mặc quần áo trá hình thành một bà lão bán hàng, ai có gặp cũng khó lòng nhận ra được. Với hình dạng như vậy, mụ vượt bảy ngọn núi tới nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa và rao:

– Hàng tốt, hàng đẹp đây, có ai mua không, mua đi!

Bạch Tuyết thò đầu qua cửa sổ hỏi:

– Chào bà, bà có gì bán đấy?

Bà lão trả lời:

– Hàng tốt hàng đẹp đây, dây lưng đủ màu đây!

Vừa nói bà vừa rút ra một chiếc dây lưng ngũ sắc dệt bằng tơ.

Bạch Tuyết nghĩ:

– Bà cụ này thật thà mình có thể cho vào nhà được.

Bạch Tuyết mở cửa và mua một chiếc dây lưng thật đẹp.

Bà lão nói:

– Con ơi, trông con buộc vụng về lắm, lại đây bà buộc thật đẹp, cẩn thận cho con.

Bạch Tuyết không chút e ngại, lại đứng trước bà cụ để bà buộc chiếc dây lưng mới cho.

Thế là mụ già buộc thoăn thoắt, mụ thắt chặt cứng làm cho Bạch Tuyết nghẹt thở, ngã lăn ra bất tỉnh.

Mụ nói:

– Giờ thì con chỉ là người đẹp của quá khứ mà thôi.

Rồi mụ vội vã ra về.

Một lát thì trời tối, bảy chú lùn về nhà, thấy Bạch Tuyết yêu quý của họ nằm sõng soài trên mặt đất như chết, người không hề nhúc nhích cử động, họ rất lo lắng. Họ nhấc cô lên thì thấy chiếc dây lưng thắt chặt cứng, lấy dao cắt đứt dây, Bạch Tuyết lại khe khẽ thở và dần dần tỉnh dậy.

Sau khi nghe Bạch Tuyết kể chuyện vừa xảy ra, bảy chú lùn bảo cô:

– Mụ già bán hàng ấy chắc chẳng ai khác ngoài mụ hoàng hậu độc ác, cô phải giữ mình cẩn thận nhé, khi chúng tôi đi vắng thì đừng cho ai vào nhà cả.

Về tới nhà, mụ hoàng hậu độc ác đến trước gương soi và hỏi:

Gương kia ngự ở trên tường,

Nước này ai đẹp được dường như ta.

Cũng như mọi lần, gương trả lời:

Thưa hoàng hậu,

Ở đây bà đẹp tuyệt trần,

Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn,

Nàng ta ở khuất núi non,

Nơi nhà của bảy chú lùn sống chung.

Khi nghe vậy, hoàng hậu máu trào sôi lên vì tức giận, mụ biết chắc là Bạch Tuyết đã sống lại.

Mụ nói:

– Được rồi, tao sẽ nghĩ ra kế khác để cho mày về âm phủ.

Với những phép quỷ thuật, mụ làm một chiếc lược tẩm thuốc độc. Mụ ăn mặc trá hình thành một bà già khác lần trước, rồi vượt bảy ngọn núi tới nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa và rao to:

– Hàng tốt, hàng đẹp, ai mua ra mua!

Bạch Tuyết ngó ra và nói:

– Bà đi đi, tôi không được phép cho một ai vào nhà.

Mụ già nói:

– Nhưng chắc không ai cấm con cầm cái lược này xem chơi một chút chứ?

Rồi mụ lấy chiếc lược tẩm thuốc độc giơ lên.

Bạch Tuyết thích chiếc lược quá nên quên cả lời dặn dò, chạy vội ra mở cửa.

Khi đôi bên thỏa thuận giá cả xong, mụ già nói:

– Giờ để bà chải cho con nhé, bà chải cho thật đẹp nhé!

Cô bé đáng thương ấy không nghi ngờ gì cả, cô để mụ chải đầu cho. Nhưng lược vừa mới cắm vào tóc, Bạch Tuyết đã bị ngấm thuốc độc, ngã lăn ra bất tỉnh.

Mụ già độc ác nói:

– Thế là người đẹp nhất nước đã đi đời nhà ma!

Nói xong mụ bỏ đi.

Nhưng may thay trời sắp tối, một lát sau thì bảy chú lùn về tới nhà. Thấy Bạch Tuyết nằm như chết ở dưới đất, họ nghi ngay mụ dì ghẻ, họ lùng sục và tìm thấy chiếc lược tẩm thuốc độc cài trên đầu, vừa mới lấy lược ra thì Bạch Tuyết tỉnh dậy kể lại sự việc đã xảy ra. Một lần nữa bảy chú lùn lại căn dặn cô phải cẩn thận, bất cứ ai đến cũng không mở cửa.

Bước chân về tới nhà, hoàng hậu lại soi gương và hỏi:

Gương kia ngự ở trên tường,

Nước này ai đẹp được dường như ta.

Cũng như mọi lần, gương trả lời:

Thưa hoàng hậu,

Ở đây bà đẹp tuyệt trần,

Nhưng còn Bạch Tuyết muôn phần đẹp hơn,

Nàng ta ở khuất núi non,

Nơi nhà của bảy chú lùn sống chung.

Nghe gương như vậy toàn thân mụ run lên vì tức giận, mụ thét lên:

– Bạch Tuyết, mày phải chết, dù tao có mất mạng cũng cam lòng.

Sau đó mụ vào một căn phòng hẻo lánh trong lâu đài nơi không hề có ai bước chân tới, và mụ tẩm thuốc độc vào táo, quả táo chín đỏ trông rất ngon, ngon đến nỗi ai nhìn thấy cũng muốn ăn. Nhưng ai ăn một miếng sẽ chết ngay tức khắc.

Khi tẩm thuốc xong, mụ bôi mặt, mặc quần áo trá hình thành một bà nông dân. Rồi mụ lại vượt bảy quả núi đến nhà bảy chú lùn. Mụ gõ cửa, Bạch Tuyết thò đầu qua cửa sổ nói:

– Cháu không được phép cho ai vào nhà, vì bảy chú lùn đã cấm rồi.

Bà già nói:

– Thế cũng chẳng sao. Chỗ táo ngày bà muốn bán rẻ nốt để còn về. Đây, để bà cho con một quả.

Bạch Tuyết nói:

– Không, cháu không được phép nhận một thứ gì cả.

Bà già nói:

– Con sợ ăn phải thuốc độc chứ gì? Trông đây này, bà bổ táo làm hai, con ăn nửa táo chín đỏ, bà ăn phần táo trắng còn lại.

Quả táo được tẩm thuốc rất khéo léo: chỉ nửa táo chín đỏ ngấm thuốc độc, Bạch Tuyết mắt hau háu nhìn quả táo chín ngon, thấy bà nông dân ăn mà không sao cả nên không dằn lòng được nữa, thò tay ra đón lấy nửa táo ngấm thuốc độc. Cô vừa cắn được một miếng thì ngã lăn ra chết liền.

Hoàng hậu nhìn cô với con mắt gườm gườm, rồi cười khanh khách và nói:

– Trắng như tuyết, đỏ như máu, đen như gỗ mun. Lần này thì những thằng lùn đừng hòng đánh thức con sống lại nữa, con ạ!

Vừa về đến cung, mụ hỏi ngay gương:

Gương kia ngự ở trên tường,

Nước này ai đẹp được dường như ta.

Lần này gương đáp:

Muôn tâu hoàng hậu, hoàng hậu chính là người đẹp nhất ở nước này.

Lúc đó, tính ghen ghét đố kỵ của mụ mới nguôi, mụ mới cảm thấy mãn nguyện.

Theo thường lệ, đến tối bảy chú lùn mới về nhà, vừa bước vào cửa thì thấy ngay Bạch Tuyết nằm dưới đất, tim đã ngừng đập, không thấy hơi thở ra nữa, Bạch Tuyết đã chết.

Bảy chú lùn nâng cô dậy, tìm xem có dấu vết chất độc nào không, rồi lấy nước và rượu lau mặt cho cô nhưng chẳng ăn thua gì; cô bé tội nghiệp ấy đã chết, chết thật rồi. Họ cho cô vào quan tài, cả bảy người ngồi quanh quan tài, khóc cô ba ngày liền. Sau đó họ muốn đem đi chôn nhưng thấy sắc người cô vẫn tươi tỉnh như người sống, đôi má xinh đẹp vẫn ửng hồng. Họ nói với nhau:

– Thi hài như vậy, ai nỡ lòng nào đem vùi xuống đất đen ấy.

Họ đặt làm một chiếc quan tài trong suốt bằng thủy tinh, bốn phía đều nhìn thấy được. Họ đặt cô vào trong đó, khắc tên Bạch Tuyết bằng chữ vàng và đề thêm rằng cô là một nàng công chúa. Rồi họ khiêng đặt quan tài nàng trên núi, cắt phiên nhau gác. Các loài vật cũng đến viếng khóc Bạch Tuyết.

Bạch Tuyết nằm trong quan tài đã lâu lắm mà thi thể vẫn nguyên, nom như nàng đang nằm ngủ, vì nàng vẫn trắng như tuyết, đỏ hồng như máu, tóc vẫn đen như gỗ mun.

Hồi đó, có một hoàng tử nước láng giềng đi lạc vào rừng và tới căn nhà của bảy chú lùn xin ngủ nhờ qua đêm. Hoàng tử nhìn thấy chiếc quan tài thủy tinh trên núi, Bạch Tuyết nằm trong chiếc quan tài có khắc dòng chữ vàng, đọc xong dòng chữ hoàng tử nói:

– Để cho tôi chiếc quan tài này, các anh muốn lấy bao nhiêu tôi cũng trả.

Bảy chú lùn đáp:

– Đem tất cả vàng trên thế giới này để đổi, chúng tôi cũng chẳng bằng lòng.

Hoàng tử nói:

– Thế thì tặng tôi vậy, vì tôi không thể sống nếu không được trông thấy Bạch Tuyết, tôi thương yêu và kính trọng nàng như người yêu nhất trần đời của tôi.

Nghe hoàng tử nói tha thiết vậy, những chú lùn tốt bụng động lòng thương và bằng lòng. Hoàng tử sai thị vệ khiêng quan tài trên vai mang về. Thị vệ đi vấp phải rễ cây rừng làm nảy thi hài Bạch Tuyết lên, miếng táo tẩm thuốc độc nàng ăn phải bắn ra khỏi cổ họng.

Ngay sau đó, nàng từ từ mở mắt ra, nâng nắp quan tài lên, ngồi nhổm dậy và nói:

– Trời ơi, tôi đang ở đâu đây?

Mừng rỡ, hoàng tử nói:

– Ta quý nàng hơn tất cả mọi thứ trên đời này, nàng hãy cùng ta về cung điện của vua cha, nàng sẽ là vợ của ta.

Bạch Tuyết bằng lòng theo hoàng tử về hoàng cung. Lễ cưới Bạch Tuyết và hoàng tử được tổ chức rất linh đình và trọng thể. Mụ dì ghẻ độc ác của Bạch Tuyết cũng được mời tới dự. Sau khi ăn mặc thật lộng lẫy, mụ lại đứng trước gương soi và hỏi:

Gương kia ngự ở trên tường,

Nước này ai đẹp được dường như ta.

Gương trả lời:

Thưa hoàng hậu,

Ở đây bà đẹp tuyệt trần,

Nhưng hoàng hậu trẻ muôn phần đẹp hơn.

Mụ dì ghẻ độc ác chửi đổng một câu, mụ trở nên sợ hãi không biết tính thế nào. Mới đầu mụ toan không đi dự đám cưới, nhưng mụ đứng ngồi không yên, mụ sốt ruột và muốn xem mặt hoàng hậu trẻ.

Khi bước vào phòng, mụ nhận ngay ra Bạch Tuyết. Sợ hãi và hoảng loạn mụ đứng đó như trời trồng, không dám nhúc nhích. Nhưng giày sắt đã đặt trên lửa rồi, nhà vua trừng phạt buộc mụ phải xỏ chân vào đôi giày sắt nung đỏ và nhảy cho tới khi ngã lăn ra đất mà chết.

Ý nghĩa câu chuyện nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn

Câu truyện cổ tích nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn dạy những bài học sâu sắc:

– Bài học về lòng tốt của con người

– Bài học hãy thận trọng với người lạ và không nên cho họ vào nhà

– Bài học không bao giờ từ bỏ hy vọng

– Bài học về người tốt sẽ được đền đáp.

– Dạy bài học về lòng ghen ghét đố kỵ khiến con người trở nên nguy hiểm

– Bài học bạn tốt ở khắp mọi nơi, tình bạn là một kho báu và chân thành đối đãi.

– Hãy lắng nghe và làm theo lời khuyên của những người bạn chân thành.

19.Truyện cổ tích thiếu nhi Cô Bé Tí Hon

Cô bé tí hon – Truyện cổ tích thế giới nổi tiếng của nhà văn Andersen

Ngày xửa ngày xưa, có một bà hiếm hoi, mong có một đứa con mà mãi không được. Bà phải tìm đến một mụ phù thủy để nhờ giúp. Bà nói:

– Tôi muốn có một đứa con, bà bảo giùm tôi phải làm thế nào.

– Ta sẽ giúp –  mụ phù thủy trả lời – Hãy cầm hạt lúa này. Nó không giống như lúa mì vẫn mọc ngoài đồng, cũng không giống lúa vẫn cho gà vịt ăn. Đem về gieo vào chậu hoa, một thời gian sau sẽ biết.

– Cảm ơn bà – bà hiếm con trả công và chào mụ phù thủy rồi đem hạt lúa về nhà gieo. Chẳng mấy chốc nó mọc thành một cây hoa tuyệt đẹp, giống như hoa uất kim cương, nhưng cánh hoa cuộn lại như một cái nụ.

– Hoa đẹp quá!- Bà thốt lên và đặt môi lên hoa. Nhưng bà đang hôn bông hoa thì bỗng có tiếng động mạnh làm hoa bừng nở. Nhìn bông hoa, bà ngạc nhiên thấy ở giữa bông hoa có một cô bé xinh đẹp ngồi trên nhụy hoa, như ngồi trên chiếc ghế tựa màu xanh. Bé chỉ lớn bằng ngón tay cái nên bà đặt tên cho bé là cô bé Tí Hon – Thumbelina.

Bà lấy vỏ hạt dẻ để làm cho bé một chiếc nôi rất đẹp, bên trong trải nệm bằng cánh hoa tím, chăn đắp cho cô bé là một cánh hoa hồng. Ban đêm bé ngủ ở đấy, còn ban ngày bé chơi trên bàn. Bà đặt trên bàn một cái đĩa đựng đầy nước, vành đĩa khoanh một vòng hoa.

Cánh hoa nổi trên mặt nước. Có một cánh hoa cánh hoa uất kim cương to dùng làm thuyền. Thumbelina  ngồi vào đấy dạo chơi như dạo thuyền, một chiếc lông ngựa dùng làm mái chèo. Cô bé vừa chèo vừa hát, giọng thật êm ái, dịu dàng.

Một đêm, cô bé đang ngủ, bỗng một con cóc to tướng vừa béo vừa nhớt trông phát khiếp chui qua ô kính vỡ trên cửa sổ vào phòng và nhảy lên bàn, nơi cô cô bé đang ngủ dưới cánh hoa hồng.

Nó nghĩ thầm:

– Con trai mình được cô bé này làm vợ, hẳn là cậu bé sướng mê.

Thế là nó chộp lấy cái vỏ hạt dẻ, trong có cô bé Thumbelina đang ngủ, chui qua ô kính vỡ nhảy ra vườn. Trong vườn có một dòng suối nhỏ, hai bờ lầy lội.

Trông thấy cô bé xinh đẹp trong vỏ hạt dẻ, cóc con reo lên: cọc, cọc, cọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Cóc bố bảo:

– Khẽ chứ! Không nó thức dậy, nó trốn mất. Chúng ta sẽ đặt nó lên một lá sen to. Nó bé, ở đấy như ở một hòn đảo, không chạy trốn đi đâu được. Chúng ta sẽ làm cho nó một căn nhà ở ngay chỗ bùn lầy này.

Giữa dòng suối có nhiều gốc sen, lá xòe to bập bềnh trên mặt nước. Cóc bố bơi ra giữa dòng suối, nơi có tàu lá to nhất, đặt chiếc vỏ hạt dẻ đựng côcô bé vào đấy.

Sáng hôm sau, thức dậy cô cô bé thấy mình đang ở trên tàu lá, bốn chung quanh là nước. Nó sợ quá, òa lên khóc, không có cách vào bờ.

Lúc này, bố con nhà cóc đang trang hoàng phòng cưới, căng lên tường những chiếc lá sen xanh, đính lên những bông sen trắng với những nhị sen vàng. Xong rồi hai bố con bơi ra tận giữa suối đón dâu.

Cóc già cúi chào cô bé Thumbelina và nói:

– Ta giới thiệu với con đây là thằng con trai ta. Chồng của con đấy. Hai con sống trong căn phòng đẹp đẽ giữa chốn bùn lầy này.

Cóc con lại: Cọc, cọc, cọc, kẹc, kẹc, kẹc!

Hai bố con ngậm tàu lá sen to lôi vào bờ. Thumbelina ngồi trên tàu lá khóc sướt mướt. Nó không muốn ở nhà của lão cóc già ghê tởm và không muốn lấy thằng con trai gớm ghiếc của lão.

May sao lúc ấy có đàn cá con đang bơi lội dưới suối trông thấy. Chúng nhô lên mặt nước để xem cô bé.

Chúng thấy bé xinh quá lại rất buồn vì phải sống với hai con cóc ghê tởm.

– Không! Không thể để thế được!

Đàn cá bảo nhau và bơi đến dưới tàu lá có 1 cô cô bé đang ngồi trên và cắn đứt cuộng sen. Thế là dòng nước cuốn tàu lá đi, đưa cô bé ra xa, rõ xa, bố con nhà cóc không thể bơi tới đó được.

Thumbelina trôi qua nhiều thành phố. Chim chóc trong bờ bụi hót rằng:

– Cô bé xinh quá!

Tàu lá đưa cô bé qua nhiều xứ lạ. Một con bướm trắng bay lượn hồi lâu trên đầu cô bé đậu xuống tàu lá. Cô bé sung sướng vì thoát khỏi hai bố con nhà cóc lại được ngắm nhìn phong cảnh đẹp ở những miền đất xa lạ tàu lá trôi qua. Dưới ánh nắng, nước suối lóng lánh như vàng lỏng.

Cô bé cởi dây lưng, buộc một đầu vào cánh bướm, một đầu vào tàu lá. Khi bướm bay nó kéo theo cả tàu lá. Bỗng một con bọ dừa xuất hiện, lấy chân quắp cô bé đem đến một cành cây, chiếc lá thì vẫn chao lượn cùng con bướm. Bướm cố gỡ ra khỏi dây buộc mà không sao gỡ được.

Khi bọ dừa đem Thumbelina lên cây, cô sợ lắm. Cô sợ cả cho bướm tội nghiệp bị buộc chặt vào tàu lá, nếu không được ai gỡ ra cho thì bướm chết đói mất. Nhưng bọ dừa có nghĩ gì đến chuyện ấy! Nó đặt cô lên một chiếc lá to, đem nhụy hoa đến cho cô ăn và khen cô đẹp.

Nhiều bọ dừa bạn bè nó đến chơi, nhìn chằm chằm cô bé Thumbelina và nói những câu láo xược. Một ả bọ dừa trẻ kêu lên

– Nó chỉ có hai chân thôi các bạn ạ!

Một con khác vội thêm:

– Nó không có râu các bạn ạ!

Nhiều con khác chế nhạo:

-Trông nó xấu như giống người vậy!

Thật ra Thumbelina rất xinh. Lúc mới đem Thumbelina về, nó có nghĩ như các bạn nó đâu. Chỉ có các bạn nó dèm pha, nói ra nói vào mãi nên bọ dừa cũng tin là cô bé xấu và không thích cô  nữa, nó đem cô bé đặt xuống một cây cúc trắng.

Tưởng rằng mình xấu đến mức bọ dừa cũng không ưa, Bé Tí khóc nức nở, buồn phiền. Nhưng thật ra thì Bé rất xinh, thanh tú, dịu dàng, chẳng khác gì một cánh hồng.

Cô bé sống một mình suốt mùa hạ trong khu rừng lớn. Bé lấy cọng rơm làm cho mình một cái võng, treo dưới một lá thu mẫu đơn to để tránh mưa. Bé ăn nhuỵ hoa và uống những hạt sương rơi. Cô bé sống như vậy suốt cả mùa hè và cả mùa thu.

Nhưng rồi mùa đông đến, mùa đông dài dằng dặc và lạnh giá. Những con chim nhỏ thường hót cho Bé nghe giờ cũng bay đi tránh rét. Cây rụng hết lá, hoa đều tàn, chiếc lá thu mẫu đơn che chỗ nằm cũng héo quắt, chỉ còn lại chiếc cọng vàng khô. Quần áo rách bươm, Thumbelina rét run.

Tuyết rơi, mỗi giọt tuyết rơi xuống nặng như hòn đá không chịu nổi. Cô bé núp mình trong một chiếc lá khô, nhưng chẳng ấm thêm chút nào, vẫn rét run cầm cập.

Cô bé bỏ khu rừng đến một ruộng lúa gần đấy. Ruộng lúa vừa mới gặt chỉ còn gốc rạ từ dưới đất giá lạnh tua tủa gai đâm lên. Đi qua đám ruộng, cô bé cũng thấy vất vả như người đi qua một cánh rừng, nó đi chệnh choạng ngã lên ngã xuống nhiều lần. cô bé lần được đến cổng nhà mụ chuột đồng -một cái hốc dưới gốc rạ. Chuột đồng sống ở đấy rất thoải mái, lại có đầy lúa và các thức ăn khác. cô bé vào nhà mụ chuột đồng xin một hạt lúa mạch ăn cho đỡ đói, đã hai hôm nay bé không được ăn gì vào bụng.

Chuột đồng bảo:

-Tội nghiệp con bé! Vào đây ăn với ta cháu ạ!

Thấy cô bé dễ thương, chuột bảo:

-Cháu có muốn ở đây với ta không? Chỉ cần giữ gìn nhà cửa cho sạch và kể chuyện cho ta nghe. Ta thích nhất là nghe kể chuyện.

Cô bé làm theo lời chuột và được chuột đối đã tử tế.

Một hôm chuột nói:

– Sắp có khách sang chơi đấy. Ông bạn láng giềng ta là một người giàu có, nhà cao cửa rộng. Ông thường mặc chiếc áo lông đen nhánh như sa tanh. Cháu mà lấy được ông ta thì may lắm. Nhưng ông ta mù, cháu phải kể chuyện cho ông ta nghe.

Rồi ngay hôm ấy, Chuột chũi hàng xóm đến thăm Chuột đồng. Hắn mặc bộ áo lông đen nhánh như sa tanh.

Chuột đồng nói là hắn giàu và có học. Nhà hắn rộng gấp hai mươi lần nhà các con Chuột Chũi khác. Nhưng hắn không thích nắng và hoa. Hắn luôn nói xấu ánh nắng và hoa. Chúng bảo cô bé hát. Thumbelina hát rằng: “Bay đi! Bọ dừa bay đi”. Cô bé hát rất hay. Giọng bé dịu dàng, Chuột chũi nghe thích lắm, nhưng hắn không nói gì.

Chuột chũi đã đào một ngách từ nhà hắn ăn thông sang nhà Chuột đồng. Hắn mời cô bé và bạn bè hắn vào đấy chơi. Trong hang có xác một con chim chết rét. Chuột chũi ngậm một mẩu gỗ mục nát có phát ra ánh sáng đi trước soi đường. Đến gần chỗ xác con chim, chuột chũi lấy mõm húc lên trần cho thủng một lỗ, để cho ánh sáng lọt vào.

Nhờ có ánh sáng họ trông thấy con chim én nằm giữa hang, hai cánh gập lại, lông che kín đầu, chân co quắp. Rõ ràng là chim đã chết rét! Thật tội nghiệp! cô bé thương chim lắm. Nó đã hót cho Bé nghe suốt cả mùa hè. Nhưng chuột chũi lại lấy chân đẩy chim én và nói:

– Nó không hót được nữa! Buồn thay cho số phận những con chim bé nhỏ! Ngoài tiếng kêu chiêm chiếp chim chẳng biết gì nữa, rồi cứ đến mùa đông lại chết rét. Lạy trời đừng bắt các con tôi sau này hoá thành chim.

Chuột đồng hưởng ứng:

– Bác nói rất đúng! Ngoài tiếng kêu chiêm chiếp chim có biết làm gì đâu! Mùa đông tới là chết đói và chết rét.

Cô bé không nói gì; đợi lúc hai con chuột quay lưng đi, nó cúi xuống, vạch lông chim, hôn lên hai mắt nhắm nghiền của chim và nói:

– Đúng con chim này đã hót cho mình nghe suốt cả mùa hè vừa qua. Con chim xinh quá, hót thật là hay.

Ở nhà Chuột chũi ra về, suốt đêm cô bé không ngủ được. Cô vùng dậy lấy rơm tết thành một cái chăn đem đắp cho con chim chết rét. Cô còn lấy nhuỵ hoa đem phủ xung quanh thân chim. Thumbelina nói:

– Vĩnh biệt chim thân yêu. Cảm ơn chim đã hót cho ta nghe suốt cả mùa hè, khi ánh nắng sưởi ấm chúng ta, cây cối xanh tươi và làm dịu mắt ta.

Cô bé lấy tay ghì đầu chim vào ngực mình. Bỗng cô bé thấy có vật gì động đậy dưới tay mình. Đó là trái tim của chim. Con én chỉ mới bị cóng vì rét, giờ đây được sưởi ấm nó tỉnh lại.

Mùa thu én thường bay về phương nam tránh rét. Nếu có con nào lọt lại thì nó bị rét cóng, rơi xuống và bị tuyết vùi.

Nghĩ vậy, cô bé thương con chim, lấy thêm nhuỵ hoa rắc lên mình, lấy lá bạc hà Bé thường dùng làm chăn đắp phủ lên đầu chim.

Đêm hôm sau cô bé trở lại thăm chim, thấy chim vẫn sống, nhưng yếu lắm, chỉ mở mắt một tí nhìn Bé rồi lại nhắm nghiền. Bé đứng cạnh chim, cầm một mẩu gỗ mục thay đèn. Một lúc chim cất tiếng nói:

– Cảm ơn cô bé lắm! Cảm ơn cô bé thân yêu! Tôi thấy trong người đã nóng lên, đã lại sức. Tôi sẽ có thể bay về nơi ấm nắng cùng với bè bạn.

Cô bé đáp:

-Chớ! Bên ngoài đầy băng tuyết còn lạnh lắm. Chim cứ ở lại đây, nằm cái giường bé nhỏ này. Tôi sẽ chăm sóc cho chim rất chu đáo.

Bé lấy một cánh hoa múc nước đem lại cho chim én. Uống nước xong, chim én kể cho cô bé nghe chuyện chim bị thương ở cánh khi bay từ trong một bụi gai ra, vì vậy không kịp bay theo đàn và rơi xuống đất. Chim chỉ nhớ được có thế và không biết sau đấy thế nào, bây giờ đang ở đâu.

Chim én ở lại trong hang suốt mùa đông và được cô bé hết lòng chăm sóc. Nó rất yêu quý cô bé Thumbelina. Chuột đồng và Chuột chũi không biết tí gì. Nếu biết chúng đã đuổi chim đi.

Mùa xuân đã đến. Những tia nắng đầu tiên xuất hiện. Chim én hỏi cô bé có muốn đi theo không. Chim sẽ cõng cô trên lưng đưa về rừng. Nhưng cô bé lắc đầu nói:

– Tôi không muốn làm như thế. Làm thế là phụ ơn chuột đồng.

– Thế thì từ biệt bạn thân yêu.

Chim én nói rồi bay vút lên không, giữa bầu trời chan hòa ánh nắng. Cô bé buồn rầu nhìn theo, cô bé cũng rất mến chim, chim đi rồi cô bé buồn. Suốt ngày cô bé phải ở trong nhà, không ra ngoài nắng được ấm được, vì lúa ngoài đồng mọc lên cao. Đối với cô bé, thửa ruộng lúa ấy rậm rạp như một cánh rừng.

Một hôm Chuột đồng bảo cô bé:

– Mùa hạ chỉ còn thời gian nữa, lễ cưới sắp đến nơi rồi, ông bạn láng giềng đã đem lễ sang dạm hỏi. Cần phải sửa soạn quần áo mới cho cháu. Ta sẽ cho cháu nhiều của hồi môn để cháu đem về nhà chồng.

Rồi chuột đồng bảo Bé ngồi quay sợi. Cả bốn con nhện dệt đêm ngày. Chiều nào Chuột chũi cũng sang chơi và nói rằng hễ qua mùa hè, trời bớt nóng, là hắn cưới Bé Tí ngay.

Nhưng cô bé không ưa Chuột chũi. Nó không muốn lấy lão ta, muốn đi khỏi nơi đây. Sáng sáng, lúc bình minh, và chiều chiều lúc mặt trời sắp lặn. Khi gió thổi các bông lúa rạp xuống, hé cho cô bé nhìn thấy bầu trời xanh biếc, bé lại mơ ước cuộc sống bên ngoài, mong Chim én bay trở lại.

Khi thu sang, quần áo cưới đã chuẩn bị xong, chuột đồng bảo Thumbelina:

– Bốn tuần nữa thì làm lễ cưới. Cô bé oà lên khóc, nói rằng không thích chuột chũi.

Chuột đồng mắng:

– Đừng có õng ẹo! Tao gả nhà ngươi vào nơi danh giá thế còn gì! Đến ngay Hoàng đế cũng chả cón bộ áo xa tanh đen bóng như nó. Nhà ngươi phải cảm ơn ta mới đúng chứ!

Đến ngày cưới, Chuột chũi tới để đem cô bé đi. Bé phải xuống dưới hang với chuột chũi, xa ánh nắng, vì chuột chũi ghét ánh sáng. ở nhà chuột đồng ít ra Bé cũng còn có thể đứng ở cửa hang ngắm mặt trời mọc.

– Mặt trời nóng ấm ơi! Vĩnh biệt! Bé vừa nói vừa giơ tay lên.

Rồi cô bé rời nhà chuột đồng.

– Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! – Cô bé vòng tay ôm một bông hoa nhỏ -Nếu hoa có thấy chim én cho ta gửi lời chào.

– Chiêm chiếp! Chiêm chiếp!

Vừa lúc ấy, cô bé nghe có tiếng chim hót trên đầu. Cô bé nhìn lên. Đúng là chim én!

Chim én nhìn thấy cô bé Thumbelina mừng quá! Bé kể cho chim nghe nỗi buồn phải lấy chuột chũi, phải xuống ở hang sâu, phải xa mặt trời.

Chim én nói:

– Mùa đông sắp đến rồi, tôi sắp quay về xứ nóng. Cô có muốn cùng đi với tôi thì trèo lên lưng tôi, lấy dây lưng buộc người vào mình tôi. Chúng ta trốn xa chuột chũi và chỗ ở ghê tởm của nó.

Chúng ta sẽ đi thật xa, qua núi non đến những xứ nóng, ở đấy có ánh nắng chan hoà, suốt năm lúc nào cũng như mùa hạ, hoa lá cỏ cây xanh tươi đẹp đẽ. Trốn đi với tôi, cô bé thân yêu, người đã cứu sống tôi lúc tôi đã nằm cứng đơ dưới hang sâu nhà chuột chũi.

– Vậy thì chúng ta đi thôi! Cô bé đáp và trèo lên lưng chim én, lấy thắt lưng buộc mình vào lông chim.

Chim én vút lên không trung, bay qua hết rừng này đến biển nọ, bay qua những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Cô bé rét run chui vào bộ lông dày của chim én, chỉ ló đầu ra nhìn tất cả những cảnh huy hoàng dọc đường.

Rồi đôi bạn tới vùng xứ nóng. ở đây nắng chói lọi, trời lồng lộng cao. Trên cành cây đung đưa những chùm nho mọng quả đen đẹp, những cam chanh chíu chít. Có những đứa trẻ xinh đẹp chơi đùa trên đường cái.

Chim én vẫn bay xa mãi, phong cảnh mỗi lúc một đẹp hơn.

Cuối cùng chim én đưa cô bé đến một nơi, dưới bóng cây xanh, gần một dải hồ nước xanh biếc, sừng sững một tòa lâu đài cổ bằng cẩm thạch trắng. Nho và cây trường xuân leo kín các cột. Chim én làm tổ trên một cái cột ấy. Chim nói với cô bé:

– Nhà tôi đấy! Cô bé có thấy cỏ mọc ở dưới không. Tôi sẽ đặt bé xuống giữa đám cỏ, sống ở đấy, cô bé sẽ thấy sung sướng.

– Vâng! -cô bé vỗ tay trả lời.

Ở đấy có một cái cột bằng cẩm thạch trắng vỡ làm ba mảnh, chung quanh mọc đầy hoa trắng rất đẹp. Chim én đặt cô bé xuống đất trên một chiếc lá to. Thumbelina bỗng ngạc nhiên khi thấy ở đây có một chàng trai bé nhỏ trong như thuỷ tinh. Chàng không to lớn gì hơn cô bé. Trong mỗi bông hoa đều có một người bé nhỏ như thế.

Chàng trai trong bông hoa cúc trắng là vua của họ.

Cô bé thì thầm với chim én:

-Trời! anh chàng đẹp trai quá!

Hoàng tử tí hon rất sợ chim én, vì đối với chàng bé nhỏ và mảnh khảnh thì chim én quả là một con chim khổng lồ.

Vừa nhìn thấy cô bé,Truyện cổ tích Việt Nam: Mèo và Chuột già Hoàng tử mê say ngay. Chưa bao giờ chàng trông thấy một người con gái xinh đẹp như thế! Chàng nhấc chiếc mũ miện đang đội đặt lên đầu cô cô bé ngỏ ý muốn lấy bé. Lấy chàng, Thumbelina sẽ trở thành nữ chúa của các loài hoa.

Cô bé bằng lòng. Từ mỗi bông hoa bước ra một nam, một nữ, quần áo sang trọng. Đôi nào cũng xinh đẹp, nhưng xinh đẹp nhất vẫn là đôi vợ chồng mới cưới. Người ta lắp cánh vào cho cô bé. Thumbelina có thể bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Khắp nơi đều vui mừng. Trên ngọn cột đá cẩm thạch, chim én ráng sức hót mừng đôi tân hôn, tuy rằng chim rất buồn và nhớ cô bé.

Tạm biệt! Tạm biệt! Chim én hót chào để rời xứ nóng, trở về phương Bắc.

20.Truyện cổ tích Việt Nam: Mèo và Chuột già

Có lần vì một con Mèo luôn để mắt rình, nên Chuột hầu như chẳng dám thò ra khỏi hang một cọng ria vì sợ bị Mèo bắt được ăn tươi nuốt sống nó.

Con Mèo đấy dường như có mặt ở khắp mọi nơi, luôn sẵn sàng móng vuốt để vồ mồi ngay lập tức. Vì lũ Chuột cứ nép mình sát trong hang, Mèo thấy rằng nó phải dùng mẹo mới bắt được chuột.

Một hôm, nó leo lên một cái kệ và treo mình vào đấy, đầu chúi xuống đất, như thể đã chết, một sợi dây thừng cột vào chân treo lủng lẳng lên kệ.Khi lũ Chuột lén nhìn ra và thấy Mèo bị treo như thế, chúng nghĩ rằng Mèo đã bị chủ phạt treo vì đã làm điều sai trái gì đấy. Ban đầu hết sức rụt rè, chúng thò đầu ra và cẩn thận đánh hơi tất cả khu vực xung quanh. Nhưng chẳng có gì động tịnh, thế là cả một đoàn quân chuột hớn hở chui ra để ăn mừng Mèo đã chết.

Ngay khi đó, Mèo buông chân khỏi thừng, và trước khi lũ Chuột hết bàng hoàng vì quá ngạc nhiên, nó đã kết liễu cuộc đời của bốn năm chú chuột.

Bây giờ Chuột nằm nhà giới nghiêm nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Nhưng Mèo, vẫn thèm ăn thịt Chuột, còn lắm mưu nhiều kế khác. Nó lăn mình nó vào bột cho đến khi nhìn nó y như một cục bột, nó nằm trong thùng bột chỉ mở một mắt ra canh Chuột.

Hoàn toàn an tâm vì chẳng còn thấy Mèo đâu, lũ Chuột chẳng mấy chốc lại thò đầu ra. Chỉ một tí nữa thôi tưởng chừng như mèo đã vớ được một con Chuột con bụ bẫm thì bỗng Chuột Già, đã từng bị Mèo vồ hụt và thoát bẫy nhiều lần, thậm chí đã mất đứt cái đuôi vào một trong những lần ấy, đứng ở một nơi khá xa tại một cái lỗ chân tường của hang nó sống.

Cẩn thận đấy!” nó la lên. “Đó có thể là một đống bột ngon, nhưng trông nó lại rất giống con Mèo. Dù nó là gì chăng nữa, thì cứ tránh xa cho an toàn là khôn ngoan nhất.”

thông qua 20 câu truyện cổ tích việt nam và thế giới hay mẹ đọc cho bé hy vọng sẽ giúp bé có nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

0 Shares
Share
Tweet
Pin