Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cùng các bạn cách vò lá sương sâm để nước của nó đông cứng thành thạch, sánh, dai và ngon cùng những công dụng của thạch sương sâm nhé!
Rất nhiều người lần đầu tiên vò sương sâm đều thất bại: nước sâm lỏng quá, không đặc thành thạch như rau câu được; hoặc nước sâm đặc quá, không rớt xuống rổ lược được; hoặc nước sâm đặc nhưng bị bọt, lợn cợn, xốp, ăn không ngon.
Vì vậy, hãy xem xem chúng ta có mắc lỗi nào trong việc chọn lá, trong cách ấn tay lúc vò lá không nhé!
Contents
Lựa chọn lá sâm để vò
Nếu là lá sâm trơn, bạn nên chọn những lá có màu xanh lá cây đậm, không nên chọn những lá đã ngả vàng hoặc quá non (màu xanh đọt chuối). Nếu có hái lá vừa vừa (chưa đủ già và chưa đủ xanh đậm) thì số lượng lá này chỉ nên bằng 1/ 4 so với lá xanh đậm. Với lá sâm trơn, thông thường thì rất ít thấy sâu nhưng nếu hái vào mùa có nhiều sâu hại (sâu đo, sâu nái), bạn hãy kiểm tra lá trước khi vò nhé.
Nếu là lá sâm lông, bạn nên hái những lá thật già, có màu xanh đậm (thỉnh thoảng có thể hái kèm lá hơi vàng vàng cũng được), không nên hái những lá non. Với sâm này, điều bạn cần lưu ý là mặt dưới của lá rất hay bị những con rệp sáp, côn trùng đẻ trứng hay làm tổ trên đó. Vì vậy, hãy hái và kiểm tra thật kỹ nhé.
Ghi chú: Lá sâm tươi hái xong, để chỗ thoáng hoặc cho vào hộp có chọc lỗ thoáng khí thì sau 3 – 4 ngày vẫn có thể vò được (hái xong không rửa, khi vò mới rửa). Vì vậy, bạn vẫn có thể mua lá sâm tươi qua mạng để vò (nếu thời gian ship hàng dưới 4 ngày).
Có nên mua lá sâm khô để vò thạch sương sâm không?
Câu trả lời của mình là không vì theo kinh nghiệm cá nhân của mình, lá sâm khô vò rất khó đặc và lượng sâm vò ra cũng không nhiều bằng lá sâm tươi, màu sắc cũng ngả màu, không xanh và đẹp như lá tươi. Hơn nữa, hương vị của thạch sương sâm được làm từ lá khô (phơi khô rồi vò) cũng không ngon bằng lá tươi.
Lượng nước để vò sâm – vò sương sâm cần bao nhiêu nước?
Không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Bạn biết tại sao không? Để mình giải thích nhé.
Đó là như vầy:
- Giả sử cùng một nắm lá sương sâm nhưng nếu lá đó là lá sâm trơn thì lượng nước sẽ khác so với lá sâm lông.
- Nếu là lá sâm mới hái hoặc đã hái 3 – 4 ngày thì lượng nước sẽ khác.
- Nếu là lá của cây được bón phân thì lượng nước vò cũng khác so với lá của cây mọc tự nhiên.
Theo kinh nghiệm vò sâm của mình thì lá sâm trồng hoặc mọc tự nhiên mà không bón phân, để cây tự sinh trưởng (chỉ tưới nước) thì chất sâm vò ra sẽ được nhiều hơn và bạn vò xong nước nhất, bạn có thể đổ thêm nước (ít hơn) để vò thêm nước thứ hai, thứ ba cho đến khi phần bã chỉ còn xơ gân lá, bạc trắng (thường thì vò hai nước vì nhiều người vò đến nước thứ ba thì để quá nhiều nước nên không đặc được).
Như vậy, khi vò sâm, để đảm bảo sâm vò ra có thể đặc thì trung bình mỗi nắm lá bạn đổ khoảng 1, 5 chén nước và vò cho đến khi nước ra chất nhầy sánh (như nước vò lá mồng tơi) thì lược lấy, như thế bạn sẽ được nước thứ nhất. Sau đó, bạn đổ thêm nước khác vào (ít hơn một tí) và vò tiếp rồi lược thì sẽ được nước thứ hai. Đến đây, nếu thấy phần bã chỉ còn xơ, không còn chất sâm (màu xanh của lá) nữa thì bạn bỏ đi.
Ghi chú: Sau khi vò xong, bạn nên hớt bỏ lớp bọt ở trên. Thông thường, sau 1 tiếng, nước vò từ lá sương sâm sẽ đặc. Nếu muốn sâm đặc nhanh hơn, bạn chỉ cần để dưới ngăn mát tủ lạnh là được (sâm cũng sẽ dai ngon hơn).
Cách ăn sương sâm: Thạch sương sâm có thể cho thêm đường và ăn bình thường như sương sáo. Tuy nhiên, để ngon hơn, bạn nên cho thêm nước đá. Và bạn biết không, muốn sương sâm phát huy tối đa cái ngon của nó thì bạn phải thêm nước cốt dừa (trái dừa khô, nạo cái, vắt lấy nước cốt nhất, thêm đường vào rồi trộn với sâm và cho nước đá vào thì ngon không tả nổi – vừa béo vừa thơm, vừa mát vừa ngậy lên mùi hương đặc trưng mà chỉ những ai ăn qua mới hiểu).
Cách vò lá sương sâm để không bị bọt
Nếu bạn đã hái lá sương sâm và để đủ nước nhưng sâm bị bọt thì có thể là bạn đã mắc phải các sai lầm sau đây:
- Bạn dùng hai tay ép lá sâm ở giữa, chà qua chà lại như giặt đồ thì sâm sẽ bị bọt.
- Bạn vò theo kiểu vò lá thông thường, để lá trong lòng tay và xoay tròn thì sâm sẽ bị bọt.
- Bạn vò sâm mà bàn tay và lá sâm ở trên mặt nước quá nhiều, tức lượng nước không đủ ngập 1 phần những lá đang vò thì sâm cũng dễ bị bọt.
Như vậy, cách tốt nhất là bạn dùng hai tay cầm nắm lá sâm rồi nhồi, ấn, nhận lá sâm xuống nước (kiểu như mình nhồi đất, nhồi bột ấy). Và lượng nước bạn đổ vào thau vừa ngập một phần lá và tay thì sâm sẽ ít bọt. Điều quan trọng ở đây là bạn dùng lực để nhồi làm lá sâm giập và ra chất nhầy, không cần nhồi quá nhanh, chỉ cần nhồi chậm rãi và vừa nhồi vừa dùng lực ấn xuống là được.
Ăn sương sâm có tác dụng gì? Công dụng của sương sâm
Thạch sương sâm được biết đến là thức uống thanh nhiệt, giải khát và giúp mát trong người, mát da thịt. Ở đồng quê, người ta hay hái lá sâm vò ăn vào buổi trưa để xua tan cái khô khát, nóng bức trong người.
Không chỉ thế, ăn sương sâm còn mang lại các lợi ích như:
- Nhuận tràng, giúp giảm táo bón và trĩ.
- Thanh mát cơ thể, giảm mụn do nóng trong người.
- Giúp lợi tiểu, dễ đại tiện, tiểu tiện.
- Hỗ trợ cho những người muốn giảm cân (ăn sâm khiến bạn no nhưng mức năng lượng mà nó cung cấp rất thấp, vì thế không khiến cho bạn tăng cân).
Hiển nhiên, nếu muốn giảm cân thành công từ việc ăn lá sương sâm thì bạn cần bớt các khẩu phần khác lại (nhất là thịt, sữa, đồ ăn ngọt…), đồng thời kiên trì ăn mỗi ngày 1 ly và ăn liên tục 5 ngày.
Lưu ý khi ăn sương sâm
- Sương sâm có tính hàn (mát) nên những người đang bị tiêu chảy, lạnh bụng không nên ăn (bình thường nếu bạn ăn quá nhiều sương sâm thì cũng sẽ bị tiêu chảy).
- Sương sâm được bán ngoài chợ đôi khi rất bẩn (đã có trường hợp hái lá sâm bẩn, không rửa sạch, lá bị sâu nấm và côn trùng gây hại…, vò lá bằng chân và nước bẩn…); vì vậy, nếu ăn sâm chợ, hãy chọn mua những chỗ làm sạch, uy tín. Tuy nhiên, lời khuyên tốt nhất là bạn nên mua lá về và tự vò lấy (hoặc mua cây con để trồng – nếu mua hạt thì phải cẩn thận chỗ bán vì có nhiều người bán hạt kém chất lượng).
- Người cơ địa hư hàn không nên ăn nhiều.
- Phụ nữ mang thai cũng không nên ăn nhiều (vì mát quá cũng không tốt).