Cách Làm Mứt Gừng

Mứt gừng ngày xưa khá là hiếm. Phải chờ tới tết chúng ta mới được ăn cơ. Bây giờ thì mứt gừng được bày bán khá nhiều rồi. Nhưng cách làm mứt gừng không biết có khó không nhỉ?

Lần đầu tiên bạn ăn mứt gừng là khi nào? Với mình đó là khi được ăn miếng mứt gừng trong hộp mứt dẻo ngày Tết. Ôi cái vị vừa cay vừa thơm vừa ngọt! Mình không ăn được cay mà cũng đổ gục trước độ ngon của miếng mứt gừng luôn.

Nhưng cũng có chút lo ngại khi mua gói mứt gừng ở ngoài phố thì phải? Bao nhiêu câu hỏi chợt hiện lên trong đầu: “Gừng to thế này có khi là gừng Trung Quốc cũng nên? Nhiều đường thế này chắc là đường hóa học? Chắc phải có hương liệu thì mới ngon thế này chứ?”

Nếu đã băn khoăn như vậy thì tại sao bạn lại không thử làm mứt gừng ở nhà nhỉ? Nguyên liệu làm mứt gừng cực kỳ dễ tìm mua mà cách làm cũng chả quá khó.

Chỉ cần dành chút thời gian là bạn sẽ có ngay mẻ mứt gừng handmade thơm ngon chuẩn chỉnh. Mời các bạn tham khảo thật nhanh cách làm mứt gừng theo gợi ý của phụ nữ giỏi thật nhé!

Nguyên Liệu

  • 400 g gừng tươi
  • 3 quả chanh
  • 1 thìa canh muối trắng
  • 300 g đường trắng
  • 900 ml nước sạch

Cách làm mứt gừng chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Món mứt gừng không nói thì chắc chắn bạn cũng biết thành phần chính là gừng tươi rồi nhỉ?

Chúng ta cần chọn mua những củ gừng non, tránh chọn phải gừng già. Gừng già không chỉ quá nhiều xơ dai mà vị còn cay gắt. Gừng già nhìn qua bạn sẽ thấy hơi bị khô, lớp vỏ tối màu. Bạn lấy tay tách nhẹ sẽ thấy lớp vỏ bám chắc vào phần thịt.

Còn gừng non nhìn qua thôi đã thấy tươi và mọng nước. Củ gừng loại này cầm lên trông chắc chắn, nhánh to. Lớp vỏ màu vàng sẫm xen chút đất nâu bám vào. Dùng móng tay cà nhẹ lớp vỏ bong ra, có thể thấy ngay phần thịt vàng tươi bên trong.

Chọn được gừng tươi bạn sẽ an tâm vì phần thịt không có nhiều xơ, hương vị cay nhẹ, thơm mùi thảo dược tự nhiên.

Khối lượng gừng tươi và chanh, muối, đường bên trên mình làm đủ cho một hộp nhựa ở nhà. Nếu muốn làm nhiều hơn để tích ăn dần hoặc mang đi biếu, bạn có thể mua thêm và cân nhắc tỷ lệ nhé!

Mua được gừng tươi ưng ý rồi, bạn cần bắt tay vào sơ chế gừng thôi nào!

Để việc bỏ vỏ gừng được nhanh chóng, bạn nên ngâm toàn bộ gừng tươi vào chậu nước đầy trong 15 phút.

Sau đó bạn dùng thìa hoặc con dao cạo sạch vỏ. Bạn chú ý cạo sạch phần vỏ và đất bám ở góc cạnh những nhánh gừng.

Rồi bạn rửa lại cho sạch, kỳ cọ từng củ gừng một.

Bạn chuẩn bị một chậu nước khác có vắt thêm nước cốt 1 quả chanh tươi.

Gừng cần được thái lát mỏng khoảng 2-3 mm. Bạn sử dụng dao sắc để thái nhé! Bạn thái mỏng lần lượt từng củ gừng rồi thả ngay vào âu nước chanh bên cạnh.

Bạn không nên thái gừng mỏng quá. Sau này chế biến gừng bị gãy mất. Hơn nữa, lát gừng dày chút sẽ giúp mứt gừng có được độ dai dẻo hấp dẫn.

Còn nếu thái dày quá, lát gừng sẽ tích nước bên trong, không đúng yêu cầu của món mứt gừng. Chưa kể sau này mứt gừng sẽ bị chảy nước nữa.

Tác dụng của nước chanh giúp từng lát gừng giữ được màu vàng tươi đặc trưng và không bị xỉn màu.

Sau đó bạn chờ khoảng 10 phút rồi vớt gừng ra rổ, đợi một lát cho ráo nước.

Bước 2: Luộc gừng

Bạn chuẩn bị một nồi lớn. Bạn đổ nước sạch vào và thêm chút muối.

Đun sôi nước rồi bạn trút gừng vào để luộc.

Bạn luộc gừng với mức lửa trung bình trong thời gian 15 phút. Sau đó bạn vớt gừng ra rổ, xối dưới vòi nước lạnh.

Bạn thực hiện chu trình luộc gừng và xối gừng trong nước lạnh tổng cộng 3 lần nhé!

Ở nước luộc thứ 2 và 3 thay vì cho muối thì bạn sử dụng nước cốt chanh để thêm vào nồi nước sôi. Thời gian luộc chỉ khoảng 8 phút.

Thao tác luộc gừng giúp gừng không chỉ chín mà còn có vị ngọt hơn, giảm vị cay.

Thêm muối vào để gừng tiết ra tinh dầu cay. Còn thêm chanh vào để vừa giữ màu vàng của gừng tươi, vừa làm vị của gừng dịu ngọt hơn.

Sau lần xối nước cuối cùng, bạn xóc gừng cho ráo hết nước.

Bước 3: Ngào gừng với đường

Bạn cần chuẩn bị một chiếc chảo cỡ lớn. Nếu cần làm khối lượng mứt gừng lớn thì bạn chia làm nhiều lần ngào đường để phù hợp với kích cỡ của chảo ở nhà nhé!

Bạn đổ gừng vào một chiếc âu lớn hoặc nếu vừa thì đổ ngay vào chảo cũng được. Bạn trút phần đường vào chảo.

Sử dụng găng tay nilon, bạn trộn cho thật đều để từng lát gừng được tẩm trong đường.

Cần phải chờ hơn 1 giờ đồng hồ cho đường tan hoàn toàn và ngấm vào gừng.

Bạn bật bếp ở mức nhiệt lớn để ngào gừng với đường. Đun tới khi nước đường bắt đầu cạn thì bạn lập tức hạ nhỏ lửa ngay.

Bạn nhẹ nhàng gỡ từng lát gừng ra cho khỏi dính vào nhau. Bạn cứ tiếp tục đảo cho thật đều tay để thấy đường kết tinh lại bám trên từng lát gừng.

Khi đó bạn tắt bếp nhé! Hãy khoan bắc chảo ra khỏi bếp. Bạn đảo tiếp để sức nóng trong chảo làm lớp đường bám dày, chắc vào từng miếng gừng.

Bạn chú ý khi bắt đầu thấy hiện tượng kết tinh thì cần tắt bếp ngay! Nếu quá lửa, đường có thể bị cháy xém, chuyển màu nâu sẫm không được đẹp mắt nữa.

Bước 4: Cách làm mứt gừng – Hoàn thành

Sau khi ngào gừng với đường, bạn chờ cho mứt gừng nguội hẳn.

Lúc này lớp đường đã khô lại, tạo thành một lớp gương cứng bọc bên ngoài từng miếng gừng.

Mứt gừng khi ăn vừa dai vừa dẻo, vừa ngọt vừa cay. Hương vị rất hài hòa, hấp dẫn vị giác. Miếng gừng không còn vị hăng cay nữa mà thay vào đó là cay dịu, mang hương thơm đặc trưng của gừng tươi.

Bạn xếp từng miếng mứt gừng vào lọ đựng hoặc túi nilon để ăn dần. Bạn có thể bỏ thêm túi hút ẩm vào để giữ cho mứt gừng được khô ráo.

Bất cứ khi nào muốn bạn đều có thể lấy ra để nhâm nhi. Nếu thích đẹp mắt hơn thì bạn có thể xếp mứt gừng ra đĩa.

Mứt gừng cần được bảo quản ở nơi thoáng mát. Chú ý sau khi lấy mứt ra cần phải đóng kín lọ đựng/ túi nilon lại. Mứt gừng nên được ăn hết trong vòng 1 tháng để đảm bảo giữ nguyên hương vị thơm ngon.

Phần bột đường còn thừa lại sau khi ngào đường gừng tươi, bạn chớ đem bỏ đi mà phí nhé! Sử dụng để pha trà cũng rất ngon. Hoặc là bạn có thể giữ lại để làm mứt gừng mẻ tiếp theo cũng được.

Mình thấy khá là trùng hợp ấy. Cứ khi thời tiết trở lạnh thì gừng tươi lại được bán rất nhiều và rẻ. Có lẽ nắm bắt được nhu cầu sử dụng gừng nên người nông dân đã trồng nhiều gừng.

Những ngày mùa đông ngồi nói chuyện, uống trà cùng đám bạn mà có hộp mứt gừng nhỏ cùng nhâm nhi thì bầu không khí trở nên ấm cúng hẳn. Càng hứng khởi hơn khi khoe: “Mứt gừng tự tay mình làm đấy!”. Lũ bạn sẽ lác mắt cho xem.

Nếu mọi người có hỏi bí kíp thì bạn đừng ngần ngại giới thiệu công thức của phụ nữ giỏi thật nhé!

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin