Cách Làm Bánh Xèo okonomiyaki

Cuối tuần vào bếp với phụ nữ giỏi thật để thực hiện cách làm món bánh xèo Nhật Bản Okonomiyaki nha. Vị Nhật. Siêu ngon. Siêu dễ làm.

Vài năm trở lại đây, cùng với sự du nhập văn hóa Nhật Bản, ẩm thực Nhật cũng đã trở thành một trong những lựa chọn ưa thích của người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ.

Và nếu bạn là tín đồ món Nhật thì hẳn không hề xa lạ với món bánh xèo Nhật – Okonomiyaki đúng không?

Okonomiyaki được ghép từ “Okonomi” – thứ bạn thích và “Yaki” – nướng, nên Okonomiyaki có thể hiểu nôm na là “hãy nướng thứ mà bạn thích”. Vì thế, bạn có thể tùy biến nhân bánh xèo Okonomiyaki theo sở thích cá nhân.

Còn về cái tên bánh xèo Nhật, có lẽ vì món ăn này cũng được tráng trên chảo, và khi đổ hỗn hợp bánh vào chảo cũng kêu lên những tiếng “xèo xèo” như khi chúng mình làm bánh xèo Việt Nam vây.

Cuối tuần, cùng gia đình vi vu Nhật Bản thông qua ẩm thực là ý tưởng không tồi đâu nha. Okonomiyaki vô cùng dễ làm, nguyên liệu lại dễ tìm.

Nào, mình cùng thử thôi!!!

Nguyên Liệu

  • 200 ml nước
  • 4 quả trứng gà
  • 1 tsp bột Dashi Kombu
  • 160 g bột mì
  • 1/4 tsp muối
  • 1/4 tsp đường
  • 1 tbs dầu ăn
  • 480 g bắp cải
  • 40 g bột chiên sẵn Tenkasu
  • 160 g thịt lợn
  • 40 g hành lá
  • 40 g gừng hồng (thái sợi)
  • xốt Okonomiyaki
  • xốt Mayonnaise
  • cá ngừ bào (Katsuobushi)
  • rong biển vụn Aonori

Dụng Cụ

  • Chảo chống dính
  • Âu lớn

Chi tiết cách làm bánh xèo Nhật Okonomiyaki

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bạn rửa sạch bắp cải và hành lá. Bắp cải thái sợi mỏng, hành xắt nhỏ.

Bạn chia một nửa gừng hồng để thái nhỏ, một nửa còn lại để ăn kèm với bánh.

Thịt heo thì bạn thái lát thật mỏng.

Phần nguyên liệu cho nhân bánh bạn có thể tùy biến theo sở thích nha.

Bước 2: Chuẩn bị bột bánh xèo

Bạn đổ bột dashi vào nước, khuấy đều cho tan.

Tiếp đến, bạn cho bột mì và nước dashi vừa pha vào âu lớn, trộn đều cho hòa quyện thành một hỗn hợp có độ sánh như súp kem là vừa.

Bạn lưu ý độ sánh của hỗn hợp bột nhé. Bột quá đặc sẽ khiến vỏ bánh bị dày, dễ gặp tình trạng ngoài chín trong sống. Ngược lại, bột loãng quá thì bánh sẽ khó kết dính các nguyên liệu với nhau.

Sau đấy, bạn lần lượt thêm trứng, bắp cải thái sợi, hành lá, tenkasu và phần gừng hồng đã thái nhỏ vào hỗn hợp bột trên rồi trộn đều lần nữa.

Tùy độ hút nước của từng loại bột và kích cỡ của trứng mà hỗn hợp của bạn sẽ có độ sánh khác nhau. Vậy nên khi thực hiện, bạn có thể gia giảm lượng nguyên liệu trong công thức cho phù hợp nhé. Nếu các nguyên liệu được trộn đều và không thấy có nước bột thừa chảy ra là được.

Bước 3: Cách Làm Bánh Xèo Nhật – Rán bánh

Bạn bắc chảo lên bếp, cho vào 1-2 thìa dầu ăn để láng mắt chảo. Khi dầu nóng, bạn đổ hỗn hợp đã trộn vào chảo và tán đều, rồi xếp thịt thái lát lên mặt bánh. Bạn có thể đổ toàn bộ một lúc hoặc chia thành 2-4 lần đổ bánh để bánh nhanh chín hơn

Đậy nắp và áp chảo khoảng 3-5 phút, khi mặt dưới bánh đã vàng đều thì lật bánh lại và rán thêm một lúc. Kiểm tra xem thịt chín thì tắt bếp.

Bình thường, người Nhật hay dùng bếp Teppanyaki để nướng Okonomiyaki. Nếu nhà bạn có chảo điện thì cực kì phù hợp để làm bánh xèo Nhật đó.

Bước 4: Cách Làm Bánh Xèo Nhật  – Hoàn thành

Tada, cuối cùng cũng được thưởng thức rồi!

Bạn bày bánh lên đĩa, rưới sốt Okonomiyaki và Mayonnaise lên mặt bánh. Bạn đừng quên rắc thêm cá ngừ bào, rong biển Aonori và gừng hồng lên trên để trang trí nhé.

Vài lưu ý nhỏ khi làm bánh xèo Nhật

Nguyên liệu cho nhân bánh Okonomiyaki

Bạn có thể linh hoạt thay đổi các nguyên liệu dùng cho phần nhân bánh xèo (bước 2) tùy theo sở thích cá nhân nha. Các bước cơ bản bạn vẫn thực hiện như mình đã trình bày ở trên.

Nếu bạn ăn chay hoặc đang ăn kiêng thì có thể làm bánh xèo nhân rau củ, nấm. Bạn nào tín đồ hải sản thì có thể cho thêm mực, tôm ,…

Bạn nên cắt nhỏ các nguyên liệu trước khi trộn vào bột bánh nhé. Việc này sẽ giúp nguyên liệu hòa quyện trong bột dễ hơn và bánh cũng nhanh chín hơn. Và bạn lưu ý tổng khối lượng các nguyên liệu là rau không nên quá 1.5 lần khối lượng của nước và bột cộng lại. Nếu quá nhiều, lượng bột có thể không đủ để kết dính các nguyên liệu với nhau.

Nước Dashi trong cách làm Okonomiyaki

Dashi là tên gọi các loại nước dùng trong ẩm thực Nhật, chủng loại rất phong phú. Thường thấy thì có Dashi làm từ rong biển Kombu, từ rau củ hoặc từ cá khô, xương gà…

Tùy thực đơn mà người Nhật sẽ dùng loại Dashi phù hợp để tăng hương vị cho món ăn. Đối với món bánh xèo thì người Nhật thường dùng nước Dashi làm từ rong biển hoặc cá khô.

Để tiết kiệm thời gian đun nước Dashi thì bạn có thể mua bột Dashi về pha như mình đã trình bày trong công thức, hoặc mua nước Dashi làm sẵn tại các siêu thị/cửa hàng bán nguyên liệu Nhật.

Trường hợp nhà có trẻ nhỏ hoặc bạn không muốn sử dụng nước Dashi chế biến sẵn thì có thể tự chuẩn bị nước Dashi “tươi” nha. Dưới đây là 2 công thức nước Dashi phổ biến nhất.

Nước Dashi làm từ rong biển và cá ngừ bào

Nguyên liệu bao gồm 20 g rong biển Kombu, 30 g cá ngừ bào khô cho 2 lít nước.

Đầu tiên, bạn dùng khăn ẩm lau qua miếng rong biển Kombu cho sạch chứ không rửa. Sau đó, bạn cho Kombu vào nồi, đổ 2 lít nước vào và ngâm nước khoảng từ 30 phút đến 2 tiếng.

Tiếp theo, bạn cho nồi rong biển lên đun đến khi nước chuẩn bị sôi thì vớt rong biển ra. Bạn lưu ý phải gắp rong biển ra ngay nếu không sẽ làm nước Dashi bị nhớt và đắng. Trong quá trình đun nếu có bọt bạn có thể vớt bỏ để nước được trong hơn.

Sau khi vớt Kombu ra thì bạn cho cá ngừ bào vào nồi nước và đun thêm 30 giây thì tắt bếp. Bạn chờ đến khi cá ngừ chìm hết xuống đáy, khoảng 10 phút, thì đem nước đi lọc. Bạn chú ý không đảo cá, tránh làm nước bị đục.

Bạn dùng rây lọc lấy nước Dashi. Khi lọc, bạn để nước chảy tự nhiên, không nên vắt hoặc ép xác vì có thể làm nước bị đắng và mất độ trong do bị lẫn mảnh vụn của cá bào hoặc rong biển nha.

Nước Dashi là từ rau củ

Bạn có thể dùng các loại củ quả nào như củ cải, bắp cải, cà rốt 🥕, ngô 🌽, nấm,…

Để làm nước Dashi này thì bạn chỉ cần bạn rửa sạch củ quả, xắt nhỏ, cho vào nồi hầm chín mềm rồi lọc lấy nước là xong.

Cách Làm Bánh Xèo Nhật – Các loại bánh Okonomiyaki

Người Nhật cho rằng bánh xèo Okonomiyaki bắt nguồn từ món Funoyaki được Senno Rikyu chế biến vào thời Azuchi Momoyama. Thời điểm ấy, Kanto xảy ra một vụ động đất lớn, thực phẩm rất thiếu thốn nên người Nhật thường ưu tiên những món tận dụng được nguyên liệu, chế biến đơn giản và no lâu khi ăn.

Về sau này, người Nhật đã sáng tạo ra rất nhiều loại Okonomiyaki, mỗi vùng sẽ có nét đặc trưng riêng. Dưới đây là một vài kiểu Okonomiyaki nổi tiếng của Nhật.

Okonomiyaki kiểu Kansai

Công thức cách làm Okonomiyaki mình vừa trình bày với các bạn ở trên chính là phiên bản Okonomiyaki của Kansai đấy. Kansai là vùng đất ở phía nam của đảo Honshu, gồm các tỉnh có địa điểm du lịch nổi tiếng và quen thuộc với chúng ta như Osaka, Kyoto, và Nara. Món bánh xèo này xuất hiện ở Osaka từ trước chiến tranh và được dân chúng rất yêu thích.

Hình thức sơ khai nhất của món bánh xèo này là Yoshokuyaki, chỉ có hỗn hợp bột trộn với gia vị và khi chiên có rắc lên ít hành lá. Sau này người ta mới bắt đầu cho thêm các nguyên liệu khác vào Okonomiyaki theo sở thích.

Okonomiyaki kiểu Hiroshima

Khác với kiểu Kansai, bánh xèo Nhật của vùng Hiroshima được làm bằng cách đổ hỗn hợp bột nhão lên vỉ nướng rồi đổ tiếp từng lớp nhân bánh lên trên. Và đặc biệt, nhân bánh có thêm mì soba hoặc udon.

Okonomiyaki ở Hiroshima có nguồn gốc từ món Issen Youshoku – món ăn được bày bán ở các cửa hàng bán đồ chơi truyền thống và bánh kẹo cho trẻ con ở Nhật, gọi là Dagashiya.

Issen-yoshoku là ban đầu chỉ có các thành phần như bột bonito, hành lá, và tảo bẹ được phục vụ bằng cách gấp bánh làm đôi với nước sốt đổ lên trên. Phong cách gấp một nửa này vẫn còn phổ biến ngày nay đối với Okonomiyaki được bán tại các cửa hàng siêu thị ở Hiroshima.

Monjayaki của Tokyo

Monjayaki hay còn gọi là Monja bắt nguồn từ món quà vặt thời Minh Trị, có tên Mojiyaki. Thời đấy, Mojiyaki chỉ được làm từ nước và bột mỳ, bán tại các cửa hàng Dagashiya. Lũ trẻ đến mua quà sẽ dùng nước bột mỳ viết thành các chữ cái lên teppan. Cái tên Mojiyaki – bánh chữ nướng ra đời từ đấy.

Đến thế chiến II, người Nhật bắt đầu thêm các nguyên liệu khác vào Mojiyaki nhưng vẫn giữ nguyên công thức bột nhão, tạo ra món Monjayaki hiện đại. Phần bột trộn rất loãng là đặc trưng của món bánh xèo Nhật kiểu Tokyo.

Okonomiyaki còn được người Nhật gọi vui là món ăn dọn tủ.

Chúng ta không chỉ cho nguyên liệu tùy theo sở thích từng người mà còn có thể tận dụng những nguyên liệu còn thừa trong tủ lạnh để làm nên những chiếc bánh xèo cực ngon.

Bánh xèo Nhật – Okonomiyaki –  không khó làm như như cái tên dài ngoằng của nó phải không nào? phụ nữ giỏi thật đã thử, còn bạn thì sao?

 

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin