Cách Làm Bánh Đúc Nóng

Mấy ngày mưa lạnh là hay “bị” thèm bánh đúc nóng. Mà đã thèm thì phải lăn vào bếp ngay thôi! Hãy cùng phụ nữ giỏi thật khám phá cách làm bánh đúc nóng chuẩn vị nhé!

Bánh đúc là món ăn dân dã xuất hiện khá lâu đời trong nền ẩm thực Việt. Nếu bánh đúc nguội chấm tương hay nộm bánh đúc là đặc sản cho mùa hè. Thì sang đông, bát bánh đúc nóng hổi bé bé đôi khi lại có thể giúp người ta xoa dịu đi cái lạnh lẽo của mùa rét mướt.

Một chiều đông lạnh, lang thang ngắm phố phường còn gì tuyệt vời hơn khi tạt vào quán nhỏ bên đường và gọi một bát bánh đúc nóng. Hơi ấm của bát bánh đúc truyền vào lòng bàn tay thêm cả mùi thơm đặc trưng của hành phi, thịt xào sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn.

Đông đang đến rất gần rồi, sao chúng mình không thử làm món này tại nhà nhỉ?

Hôm nay, phụ nữ giỏi thật sẽ “bật mí” cho bạn công thức bánh đúc nóng thơm ngon mà không cần dùng đến hàn the hay nước vôi nhé!

Yên tâm là công thức siêu dễ làm và dễ thành công ngay từ lần đầu thử.

Nguyên Liệu

Phần bánh đúc

  • 100 g bột gạo tẻ
  • 100 g bột năng
  • 600 ml nước
  • 2 thìa canh dầu ăn
  • 1 thìa canh dầu mè
  • 1/2 thìa cà phê muối

Phần topping

  • 200 g thịt nạc dăm
  • 10 g mộc nhĩ
  • 10 g nấm hương
  • 2 củ hành tím
  • 1 thìa cà phê muối
  • 1 thìa cà phê tiêu
  • Hành phi, rau mùi, hành lá

Phần nước chấm

  • 4 thìa canh nước cốt chanh
  • 4 thìa canh nước mắm
  • 4 thìa canh nước lọc
  • 4 thìa canh đường
  • Ớt, tỏi

Cách làm bánh đúc nóng chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Công thức gốc của bánh đúc là sử dụng bột nước. Nhưng để thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, bạn có thể dùng bột khô thay thế. Nếu biết cách xử lí bột thì bột khô cũng ngon không kém cạnh bột nước đâu nhé.

Bột gạo tẻ và bột năng bạn có thể mua bột khô xay hoặc loại đóng gói sẵn. Mình hay dùng bột của Tài Ký, thành phẩm làm ra cũng khá thơm ngon, không bị hôi bột tí nào cả.

Bạn rây bột vào âu, thêm muối vào rồi trộn đều. Bạn từ từ vừa cho nước vừa khuấy bột để bột tan hết, không bị vón cục.

Tỉ lệ bột gạo, bột năng và nước quyết định độ mềm của bánh. Nhiều bột gạo bánh sẽ cứng, “giòn”; còn nhiều bột năng bánh sẽ mềm dẻo và dai hơn.

Vậy nên bạn có thể linh hoạt điều chỉnh tỉ lệ bột gạo và bột năng theo khẩu vị. Thường thì tỷ lệ bột 1:1 sẽ cho thành phẩm bánh có độ mềm và “giòn” vừa ăn.

Khuấy tan bột xong, bạn đậy vung nồi và ngâm bột trong khoảng 1 – 2 giờ. Khi bột lắng, bạn nhẹ nhàng chắt bỏ phần nước trong phía trên đi. Sau khi chắt hết nước, bạn đong vào nồi lượng nước mới bằng phần đã chắt ra rồi quấy đều.

Thao tác ngâm bột và thay nước này người ta hay gọi là tẻ bột. Đây là bước rất quan trọng, giúp cho bột nở đều và giảm được mùi hôi bột.

Nếu muốn tăng độ béo ngậy và giúp bánh đúc dậy mùi hơn, sau khi chắt bỏ nước đầu, bạn có thể dùng nước ninh xương thêm vào thay. Nhưng nhớ là phải lọc cẩn thận để loại bỏ hết váng cặn trong nước xương nhé. Nếu không khi quấy màu bánh đúc sẽ bị đục, không đẹp mắt.

Trong công thức mình có dùng dầu mè để giúp phần bột thơm hơn, nếu nhà không có, bạn dùng dầu ăn thôi cũng được.

Bạn nào tẻ bột bằng nước ninh xương thì có thể không cần thêm dầu. Nếu bạn thêm dầu, nhớ giảm lượng lại ít thôi nhé, tránh cho bánh đúc béo ngậy quá lại ngấy.

Xong bột bánh đúc, chúng mình bắt tay vào chuẩn bị phần topping – nhân trần cho bánh.

Bạn rửa thịt sạch sẽ, để ráo rồi băm/ xay nhỏ. Nếu dùng máy xay, bạn chú ý đừng xay thịt nhuyễn quá nhé, không lúc xào sẽ bị vụn. Để phần nhân trần không bị quá khô hoặc quá béo, bạn nên dùng thịt nạc dăm. Tỉ lệ nạc mỡ tùy theo khẩu vị gia đình mà bạn điều chỉnh cho phù hợp.

Nấm hương, mộc nhĩ mua về bạn rửa qua cho sạch bụi bẩn rồi ngâm nước ấm trong vòng 10 – 15 phút. Sau khi ngâm, bạn cắt bỏ chân nấm rồi băm hoặc xay nhỏ.

Hành tím bạn bóc vỏ, băm nhuyễn. Ớt, tỏi rửa sạch, băm nhỏ để tí pha nước chấm.

Rau mùi, hành lá bạn nhặt bỏ những cọng dập và rửa sạch, sau đó cắt nhỏ.

Bước 2: Quấy bánh đúc

Quấy bánh đúc không khó, chỉ là hơi mỏi tay tí thôi nhưng thành phẩm sẽ rất xứng đáng với công sức bạn bỏ ra đấy.

Quấy bánh đúc sẽ hơi mất thời gian một chút, không khéo là bột dễ bị khê dính nồi ngay. Thế nên, khi quấy bột bạn nhớ chọn một chiếc nồi kích thước lớn, đế dày một tí nhé.

Bạn đặt nồi bột lên bếp và bật lửa mức trung bình lớn rồi quấy liên tục trong vòng 2 – 3 phút để bột không bị dính đáy nồi. Bạn có thể dùng phới lồng hoặc đũa để quấy bột nhưng nên sử dụng phới lớn/ đũa bếp cho dễ thao tác nhé.

Khi bột bắt đầu sệt đặc lại, bạn hạ lửa nhỏ và tiếp tục quấy đều tay, càng quấy bột sẽ càng dẻo mịn.

Bạn cứ quấy đều tay đến khi thấy bột chuyển màu trong hơn, nhấc phới/đũa lên thấy bột kéo sợi thì cho dầu ăn và dầu mè vào quấy tiếp. Bước này bạn lưu ý chỉnh lửa/ nhiệt ở mức nhỏ nhất.

Khi mới thêm dầu ăn vào bột sẽ hơi lợn cợn, bạn cứ quấy tiếp một lúc bột sẽ dẻo mịn trở lại. Khi bột chuyển màu hơi trong là chín rồi đấy.

Lời khuyên cho những bạn làm bánh đúc nóng lần đầu là nên nếm thử bột. Nếu bột không còn các hạt lợn cợn, không còn nồng mùi bột, khi múc lên bột không bị chảy nhão mà rơi xuống từng miếng là đạt.

Bước 3: Làm topping và pha nước chấm

Bạn bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa canh dầu ăn. Đợi khi dầu nóng bạn cho hành tím vào phi vàng, rồi tắt bếp.

Thịt bạn cho vào chảo, đảo đều tay độ 1 phút, tận dụng hơi nóng của chảo để xào săn tái thịt. Sau đấy bạn bật bếp, cho nấm vào và đảo thêm một lúc cho nhân chín rồi nêm nếm. Xào như thế này sẽ giúp cho thịt và nấm chín vừa, nhân bánh đúc không bị khô, lại bảo toàn dưỡng chất của các nguyên liệu.

À, món bánh đúc nóng này lúc dùng mình còn chan thêm nước chấm nữa nên bạn nêm nhân nhạt thôi nhé.

Theo đúng điệu thì bánh đúc nóng phải được chan kèm nước chấm “nóng”. Thế nên chúng ta bắt tay vào nấu mắm thôi!

Bạn bắt lên bếp một chiếc nồi nhỏ; cho nước, nước cốt chanh/giấm và đường vào đun vừa sôi thì tắt bếp. Sau đó bạn cho ớt, tỏi băm vào nữa là xong.

Nhà mình dùng nước mắm 40 độ đạm, các thành phần đong theo tỉ lệ 1:1:1. Tỷ lệ này có thể gia giảm tùy theo loại nước mắm bạn dùng. Sao cho vị chua, mặn, ngọt cân bằng và vừa với khẩu vị gia đình là được.

Đặc biệt, nếu bạn dùng các loại mắm thủ công thì nên giảm lượng mắm lại một chút. Mắm thủ công có vị mặn và mùi rất đậm, nếu pha nhiều, mùi mắm sẽ át đi mùi thơm của bột gạo và nhân nấm thịt thì tiếc lắm.

Phần topping và nước chấm xong rồi. Bạn đã nóng lòng muốn thưởng thức bát bánh đúc nóng hổi chưa?

Bước 4: Cách làm bánh đúc nóng – Hoàn thành

Nếu bạn nấu mắm sớm thì trước khi dọn mâm, nhớ hâm lại mắm, đun vừa ấm thôi nhé, đừng để sôi.

Bột bánh đúc quấy xong bạn múc khoảng chừng nửa bát, rồi xúc topping rải lên trên. Cuối cùng bạn chỉ cần rắc hành phi, rau thơm và chan nước chấm là bát bánh đúc nóng hổi đã sẵn sàng rồi.

Ở một số nơi bánh đúc còn được ăn kèm với đậu rán giòn, bạn có thể rán thêm vài bìa đậu để dọn kèm. Món bánh đúc hoàn thành hài hòa cả hương và sắc. Bánh đúc trắng trắng, thịt nấm nâu nâu, hành phi vàng ruộm, thêm chút màu xanh của rau thơm nữa tạo nên tổng thể đầy màu sắc.

Trời lạnh này mà gia đình quây quần bên nhau xì xụp xuýt xoa bát bánh đúng nóng thì còn hạnh phúc nào bằng.

Tuy nhiên, bánh đúc bột gạo nếu ăn nhiều thì cũng hơi lo lắng cho cân nặng nhỉ? Yên tâm đi, phụ nữ giỏi thật có một lựa chọn nữa “heo-thì” hơn cho bạn đây:

Cách làm bánh đúc nóng từ yến mạch

Yến mạch là loại tinh bột lành mạnh và tốt cho sức khỏe nên được khá nhiều bạn ưu ái lựa chọn. Bánh đúc từ yến mạch chỉ khác bánh đúc thông thường ở khâu chuẩn bị bột bánh còn phần đồ ăn kèm và nước chấm thì hoàn toàn tương tự.

Để làm bánh đúc yến mạch bạn cần chuẩn bị:

  • 150 g yến mạch cán dẹt
  • 600 ml nước nóng
  • ½ thìa cà phê muối
  • 20 ml dầu ô liu

Yến mạch bạn ngâm nước tầm 2 – 3 giờ, cứ mỗi một tiếng thay nước một lần. Sau khi ngâm yến mạch mềm, bạn rửa lại với nước lạnh cho bớt nhớt.

Bạn cho yến mạch đã ngâm, nước và muối vào máy xay xay nhuyễn mịn. Chú ý xay kỹ một chút để bánh đúc không bị lợn cợn nhé.

Bạn đổ hỗn hợp ra nồi lớn rồi bật lửa trung bình, vừa đun vừa quấy như quấy bột gạo. Đến khi thấy hỗn hợp đặc mịn, bạn cho dầu ô liu vào quấy đều đến khi bột quyện dẻo là được.

Cuối cùng, bạn múc bánh đúc ra bát rồi thêm đồ ăn kèm giống như bánh đúc bột gạo là hoàn thành rồi.

Công thức này bạn có thể làm cho bé ăn dặm cũng rất tốt đấy nhé! Phần topping ăn dặm bạn cứ linh hoạt thay đổi (củ quả, cá, tôm..) miễn sao đảm bảo dinh dưỡng cho bé là ổn. Với cả, trẻ con ăn nhạt một tí sẽ tốt hơn, nên khi quấy bánh đúc cho bé thì mình không cần làm nước chấm nhé.

Cách bảo quản bánh đúc nóng

Gọi là bánh đúc nóng thì tất nhiên ăn lúc bánh còn nóng, còn mới là ngon nhất. Nhưng nếu bạn nhỡ tay làm nhiều một tí cũng không sao. Bột bánh và các nguyên liệu còn thừa bạn để riêng vào từng hộp, đậy kín, cất ngăn mát tủ lạnh (tốt nhất là dùng trong vòng 1-2 hôm).

Khi ăn, bạn múc bột và rắc nhân xào lên trên. Sau đó bạn dùng đĩa đậy kín lại và cho vào lò vi sóng hâm nóng trong 2 – 3 phút. Thế là bát bánh đúc nóng nổi đã sẵn sàng, bạn chỉ cần bỏ thêm hành phi và rau thơm lên nữa là ăn thôi.

Bát bánh đúc nóng thơm ngon tròn vị chắc hẳn sẽ chinh phục được tất cả mọi người thưởng thức. Hãy thử vào bếp và làm bánh đúc nóng bạn nhé!

Giới thiệu: Minh Quỳnh

Minh Quỳnh là thạc sỹ tâm lý học, chủ trang web Kết Nối Phụ Nữ, chuyên chia sẻ thông tin hữu ích nhất cho phụ nữ dùng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau!

Viết một bình luận

0 Shares
Share
Tweet
Pin